Lịch sử phát triển

22/07/2018

Năm 1969 Năm 1987

 

 

  • Tên đầy đủ: Viện Chăn Nuôi

  • Tên tiếng Anh: National Resarch Institute of Animal Science- NIAS

  • Năm thành lập: 1952

  • Tiền thân:

I. Cội nguồn của Viện Chăn Nuôi

Ngày 2/9/1945 Chủ Tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc “Tuyên ngôn độc lâp” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chỉ 2 tháng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết nghị về việc thành lập Bộ Canh Nông, tiền thân của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày nay. Nha Mục Súc – Ngư Nghiệp trực thuộc Bộ được hình thành với 6 bộ phận chuyên môn, trong đó có “Viện Khảo Cứu” những vấn đề chuyên môn và khoa học thuộc lĩnh vực thú ý và súc sản. Theo chủ trương của Chính phủ tách công tác nghiên cứu ra khỏi hệ thống quản lý sản xuất, ngày 9 tháng 2 năm 1952, Bộ Canh Nông đã ban hành Nghị định số 01–CN/QT/NĐ về tổ chức canh nông, Viện Chăn Nuôi được thành lập tại Nghị định này.

Từ đó đến nay, Viện đã nhiều lần đổi tên cho phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển nông nghiệp của đất nước như: Viện Chăn nuôi (1952), Phòng Chăn nuôi – Thú y thuộc Viện Khảo cứu Nông Lâm (1955), Viện Khảo cứu Chăn nuôi (1957), Khoa Chăn nuôi – Thú y thuộc Học Viện Nông Lâm (1959), Ban Chăn nuôi – Thú y (1963) và Ban Chăn nuôi (1966) thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp. Từ năm 1969 đến nay, Viện được mang lại tên cũ là Viện Chăn nuôi. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Chăn nuôi đã đạt được nhiều thành tích to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam

II. Những chặng đường hoạt động và tổ chức của Viện Chăn nuôi

1. Giai đoạn 1952 – 1954: Viện Chăn nuôi – Những năm đầu mới được thành lập

            Nhiệm vụ của Viện Chăn Nuôi là trực tiếp giúp Bộ trưởng nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi và thú y để hướng dẫn và đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất. Viện trưởng Viện Chăn Nuôi giai đoạn này là ông Phan Đình Đỗ (Thú y sỹ Đông Dương). Tổng số cán bộ, công nhân viên có khoảng 30-40 người, đa số là cán bộ của Chi viện kháng nhiễm liên khu Việt Bắc ở huyện Đại Từ – Thái Nguyên chuyến đến, còn lại là một số học sinh trung, sơ cấp mới ra trường.

            Khi thành lập Viện Chăn Nuôi, trụ sở của Viện trú tại Cây đa nước chảy, thôn Thượng Túc – xã An Tường – huyện Yên Sơn – tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 3 – 4 km. Các phòng làm việc, phòng họp và các phòng thí nghiệm là các nhà tranh, vách nứa sơ sài, nằm rải rác dưới tán cây rìa rừng. Trang thiết bị ở phòng thí nghiệm chỉ có một nồi hấp cao áp, một tủ ấm, vài kính hiển vi cũ, một ít dụng cụ đo lường ngoại, các bình, ống nghiệm đều do các xưởng thủ công sản xuất.

Viện được tổ chức thành 2 bộ phận: Bộ phận làm việc ở phòng thí nghiệm gồm có tổ sản xuất vác -xin khô, huyết thanh dịch tả trâu bò và tổ sản xuất môi trường nuôi cấy vi trùng để chẩn đoán bệnh và chế tạo vac -xin tụ huyết trùng; Bộ phận  chỉ đạo kỹ thuật: Chỉ đạo tiêm phòng chống dịch cho trâu, bò, lợn, gà như: phòng chống bệnh toi gà, bệnh nghé ỉa phân trắng. Bộ phận này do ông Điền Văn Hưng phụ trách, hoạt động chủ yếu ở huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Ngoài cơ sở văn phòng, Viện Chăn nuôi còn có Trại nuôi bò ở Đoan Hùng (Phú Thọ), Trại Tiên Phượng và Trại Phia Đéng (Trại Ngựa nước Hai - tỉnh Cao Bằng).

 

(3) Viện Chăn nuôi từ Việt Bắc suôi dòng Sông Lô
về Hà Nội –10/1954

 

Hoà bình lập lại, vào tháng 10/1954, Viện Chăn Nuôi từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản thủ đô trong chuyến bè nứa lớn có mui che từ từ xuôi dòng Sông Lô về đến Phà Đen Sông Hồng, Hà Nội.

 

2. Giai đoạn 1955–1957: Phòng Chăn nuôi thú y–Viện Khảo cứu Nông Lâm.

            Sau khi có Nghị định số 02-NL/QT/NĐ ngày 17 tháng 2 năm 1955 của Bộ Nông Lâm về việc tổ chức các cơ quan Trung ương trực thuộc Bộ; ngày 23/2/1955 tại Nghị định số 4-NL-QT-NĐ, Bộ Nông Lâm đã thành lập Viện Khảo cứu nông lâm, trên cơ sở sáp nhập Viện Chăn Nuôi với các bộ phận trồng trọt, thuỷ lâm. Viện có trụ sở đóng tại Ngã Tư Vọng – Bạch Mai – Hà Nội (Viện Thú Y ngày nay). Ông Bùi Huy Đáp là Viện trưởng; ông Phan Đình Đỗ là Viện phó kiêm Trưởng Phòng Chăn nuôi - Thú y làm nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo nông dân sản xuất.

            Về cơ sở vật chất lúc đó, Viện có Trại gà Bạch Mai do ông Bùi Quang Toàn làm Trại trưởng. Trại có đàn gà ngoại gồm các giống: Rhode island, Leghorn, Australorp, Sussex được chọn từ đàn gà của Sở thú y Bắc Việt hồi Pháp thuộc để lại. Ngoài ra còn có một số giống nội như gà Ri, gà Mía, gà Đông tảo, gà Văn phú, gà Nam bộ được chọn từ các địa phương về để nghiên cứu nhân giống.

3. Giai đoạn 1957–1959: Viện Khảo cứu Chăn nuôi

(4) Ông Phan Đình Đỗ trên đường đi công tác Tam đảo - 1958

 

            Theo yêu cầu phát triển công tác nghiên cứu chuyên ngành, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định số 446-TTg ngày 1/10/1957 về việc bãi bỏ Viện Khảo cứu Nông Lâm để thành lập 2 viện là Viện Khảo cứu Chăn nuôi và Viện Khảo cứu Trồng trọt. Viện Khảo cứu Chăn nuôi có nhiệm vụ nghiên cứu, thí nghiệm về mặt khoa học kỹ thuật chăn nuôi gia súc, về các phương thức phòng trừ bệnh, chống dịch tễ cho gia súc, chế các loại thuốc thú y.

            Trụ sở của Viện Khảo cứu Chăn nuôi vẫn ở chỗ cũ, do ông Phan Đình Đỗ làm Viện trưởng. Ngoài số cán bộ, công nhân viên được tách từ Viện khảo cứu Nông Lâm, Viện còn tiếp nhận thêm một số cán bộ miền Nam tập kết, bộ đội phục viên và một số học sinh Trung cấp mới tốt nghiệp. Đồng thời Viện đã mở một lớp huấn luyện ngắn ngày cho những người chưa có nghiệp vụ; cử cán bộ sang Trung Quốc học tập kỹ thuật thụ tinh nhân tạo gia súc.

            Để tăng cường cơ sở nghiên cứu cho Viện, đến tháng 7/1957, Bộ Nông Lâm quyết định thành lập Trại thí nghiệm Trâu Ngọc Thanh (Vĩnh Phúc) với nhiệm vụ nghiên cứu về trâu. Trại này hoạt động cho đến năm 1981 thì được bàn giao cho Viện Thú y quản lý để nuôi động vật thí nghiệm. Đàn trâu Murrah và con lai được chuyển vào Trung tâm nghiên cứu Trâu và Đồng cỏ Sông Bé.

            Nội dung hoạt động của Viện giai đoạn này là nghiên cứu về Thú y và Chăn nuôi; nhưng chủ yếu vẫn là nghiên cứu thú y. Công tác nghiên cứu thú y lúc đó được đẩy mạnh, nhờ có kỹ thuật nuôi cấy vi rút trên phôi trứng và sản xuất vac -xin Niu-cat-xơn hệ 1 tạo miễn dịch, dùng tiêm phòng bệnh toi gà.

4. Giai đoạn 1959–1962: Khoa chăn nuôi thú y - Học viện Nông lâm

(5) Khoa chăn nuôi thú y – Học Viện Nông Lâm - 1961

 

            Năm 1959 Viện Khảo cứu Chăn nuôi và 1 số Viện khác sáp nhập với trường Đại học Nông Lâm thành Học viện Nông Lâm, đóng tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. Trong Học viện có Khoa Chăn nuôi - Thú y, ông Tô Luận và ông Điền Văn Hưng là Phó Chủ nhiệm Khoa phụ trách công tác nghiên cứu và giảng dạy. Tuy nhiên, vẫn chủ yếu tập trung vào công tác giảng dạy và đào t ¹o.

            Khi sáp nhập thành Học viện Nông Lâm, Trại gà Bạch Mai được chuyển sang Trại Quang Trung là cơ sở nghiên cứu, học tập và giảng dạy về chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, thụ tinh nhân tạo và thức ăn của Khoa. Năm 1960, Trại nhân giống Ngựa Bá Vân thuộc Khu Tự trị Việt Bắc được thành lập (Sau khi tiếp thu Trại Ngựa Nước Hai Cao Bằng) được Bộ Nông Lâm chuyển cho Học viện Nông Lâm quản lý.

5. Giai đoạn 1963–1968: Ban chăn nuôi thú y - Viện khoa học nông nghiệp

            Năm 1963, Viện Khoa học Nông nghiệp được thành lập. Trụ sở của Viện tại Văn Điển – Thanh Trì - Hà Nội. Bộ phận nghiên cứu của Khoa Chăn nuôi -Thú y thuộc Học viện Nông -Lâm được tách ra và trở thành Ban Chăn nuôi -Thú y thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp do ông Tô Luận làm trưởng Ban, ông Trần Thế Thông làm Phó Trưởng Ban phụ trách về chăn nuôi. Đến tháng 6 năm 1966, Ban Chăn nuôi -Thú y được tách làm 2 Ban thuộc Viện: Ban Chăn nuôi và Ban Thú y. Ban Chăn nuôi do ông Trần Thế Thông làm Phó Trưởng Ban.

          Khi thành lập Ban Chăn nuôi -Thú y (1963), số lượng cán bộ nghiên cứu có khoảng 50 người, bộ phận chăn nuôi có khoảng 20 người, chia làm 3 Bộ môn: Bộ môn thức ăn do ông Lê Sinh Tặng làm Trưởng Bộ môn; Bộ môn Kỹ thuật do ông Trần Thế Thông, sau đó là ông Nguyễn Thiện được cử làm Trưởng Bộ môn và Bộ môn Giống gia súc do ông Trần Doãn Hối làm Trưởng Bộ môn. Trong Bộ môn Giống gia súc có 4 tổ: Tổ lợn do ông Phạm Hữu Doanh làm Tổ trưởng; Tổ gia cầm do ông Tạ An Bình làm Tổ trưởng; Tổ bò do ông Trần Doãn Hối kiêm Tổ trưởng; Tổ Thụ tinh nhân tạo do ông Nguyễn Tấn Anh làm Tổ trưởng. Ngoài các cán bộ kể trên, còn có những cán bộ nghiên cứu khoa học khác, chủ trì các đề tài khoa học trong Ban, đó là các ông, bà: Nguyễn Đức Trân, Lưu Kỷ, Nguyễn Nghi, Nguyễn Thị Hoài Tao, Nguyễn Văn Thiện, Vũ Ngọc Tý, Nguyễn Đức Hải, Đinh Huỳnh, Đậu Doãn Tuất, Võ Hồng Huê, Nguyễn Danh Kỹ, Nguyễn Ngọc Hà, Đinh Bừng vv...

          Trong giai đoạn này, ngoài các trại cũ đã có, Viện còn lập thêm Trại Lợn Lê Thanh. Trại Trâu Ngọc Thanh đã có trang thiết bị để phân tích một số chỉ tiêu sinh lý (máu, sữa) và thụ tinh nhân tạo. Trại ngựa Bá Vân cũng có phòng thụ tinh nhân tạo cho ngựa.

6. Giai đoạn 1969-2012 – Viện Chăn Nuôi phát triển trải qua những bước thăng trầm của sự thay đổi cơ chế quản lý khác nhau.

            Trong giai đoạn này, tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý và chức năng, nhiệm vụ của Viện Chăn nuôi được phân thành 4 thời kỳ như sau:

6.1. Thời kỳ hình thành tổ chức (1969-1971):

           Ngày 7/1/1969, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã ra quyết định số 01/NN/QĐ về việc tách Ban Chăn nuôi thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp để thành lập Viện Chăn Nuôi cùng với một số Viện chuyên ngành khác thuộc Bộ Nông nghiệp. Địa điểm của Viện đặt  tại xã Thuỵ Phương - huyện Từ Liêm - thành phố Hà Nội. Hai ông Trần Thế Thông và Nguyễn Văn Thưởng được cử làm Phó Viện trưởng. 

           Tổ chức bộ máy của Viện năm 1969 có 4 Phòng nghiên cứu: Phòng Thức ăn gia súc, Phòng Đại gia súc, Phòng Tiểu gia súc, Phòng Gia cầm và 4 Tổ nghiên cứu khác: Thụ tinh nhân tạo, Di truyền -Giống, Đồng cỏ và Sinh lý -Sinh hoá. Bên cạnh đó còn có 4 Phòng quản lý nghiệp vụ: Kế hoạch tổng hợp, Tổ chức cán bộ, Hành chính quản trị và Kế toán -Tài vụ. Các trại thí nghiệm: Trâu Ngọc Thanh, Ngựa Bá Vân và Lợn Lê Thanh cũng được chuyển từ Viện Khoa học Nông nghiệp sang Viện Chăn nuôi quản lý. Khi đó, Viện đã tiếp nhận Nông trường Thuỵ Phương ở xã Thuỵ Phương, Từ Liêm thuộc Ty Nông trường Hà Nội làm địa điểm xây dựng Viện hiện nay.

Nhiệm vụ của Viện Chăn nuôi được Bộ giao năm 1969 là:

            1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch nghiên cứu KHKT chăn nuôi nhằm phục vụ sản xuất gia súc, gia cầm và góp phần xây dựng nền khoa học nông nghiệp Việt Nam.

            2. Nghiên cứu chọn lọc, lai tạo, nhập nội các giống gia súc, gia cầm chủ yếu, sản xuất và cung cấp 1 số giống gốc tốt cho các cơ sở nhân giống, góp phần nâng dần phẩm chất của đàn giống gia súc, gia cầm.

            3. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu và công nhân kỹ thuật về chăn nuôi.

            4. Quản lý các cơ sở nghiên cứu và trại thí nghiệm chăn nuôi trực thuộc Viện.

Sau khi Bộ Nông nghiệp đổi tên thành Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, năm 1971, Viện Chăn nuôi tách thành 2 bộ phận: Bộ phận nghiên cứu về Lợn và Tiểu gia súc chuyển về Cục Gia súc nhỏ và bộ phận nghiên cứu về Đại gia súc và Đồng cỏ chuyển về Cục Gia súc lớn.

6.2. Thời kỳ hoạt động khoa học theo cơ chế bao cấp (1973 -1982)

Đến ngày 24 tháng 8 năm 1973, Chủ nhiệm Uỷ ban nông nghiệp Trung ương đã có quyết định số 305 NN -TC/QĐ tái lập Viện Chăn nuôi, ông Trần Thế Thông là quyền Viện trưởng, ông Nguyễn Bổn và ông Nguyễn Văn Thưởng là Phó Viện trưởng. Khi đó Viện được quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy như sau:

            Chức năng của Viện Chăn nuôi là cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật thuộc Uỷ ban nông nghiệp Trung ương, có trách nhiệm giúp Uỷ ban nghiên cứu các vấn đề khoa học và kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm để có kế hoạch và biện pháp phát triển chăn nuôi, từng bước đưa ngành chăn nuôi thành một ngành sản xuất chính, có năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao.

            Nhiệm vụ của Viện Chăn Nuôi lúc này vẫn như đã được giao năm 1969 và được bổ sung thêm một số nội dung như sau:

            - Có kế hoạch, biện pháp đưa kỹ thuật mới từ kết quả nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm vào chăn nuôi, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng định mức, tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật và quy trình, quy phạm về chăn nuôi gia súc, gia cầm.

            - Tham gia quản lý kỹ thuật về hệ thống giống gia súc, gia cầm của Nhà nước.

            - Nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi và phân tích hàm lượng dinh dưỡng của các loại thức ăn làm cơ sở chỉ đạo sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn cho gia súc, gia cầm quanh năm ở các vùng khác nhau.

            - Nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm biện pháp và chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc các loại gia súc, gia cầm ở các vùng sinh thái khác nhau.

            - Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện; quản lý và sử dụng tốt lực lượng cán bộ, công nhân, nhân viên; Tôn trọng và chấp hành đúng các chính sách và chế độ quản lý của Nhà nước.

            - Thực hiện kế hoạch hợp tác khoa học kỹ thuật với các nước ngoài do Uỷ ban nông nghiệp Trung ương giao.

Thực hiện quyết định số 305 NN -TC/QĐ, bộ máy tổ chức của Viện Chăn Nuôi cũng được thay đổi: 9 Bộ môn nghiên cứu được hình thành và hoạt động, đó là: Bộ môn nghiên cứu về Lợn; Bò; Trâu; Gia cầm (trong đó có Tổ chuyên đề về gà, vịt, thỏ); Đồng cỏ; Thức ăn và Dinh dưỡng; Thụ tinh nhân tạo; Di truyền và chọn giống; Sinh lý - Sinh hoá. Ngoài các Bộ môn nghiên cứu trên Viện đã thành lập Tổ Phân tích thức ăn gia súc. Bên cạnh đó, Viện còn có 4 Phòng quản lý nghiệp vụ như: Tổ chức -Hành chính; Kế hoạch tổng hợp khoa học; Kế toán - Tài vụ và Cung ứng vật tư. Đến năm 1974, bộ phận phụ trách Kế hoạch từ Phòng Kế hoạch tổng hợp khoa học tách sang Phòng Cung ứng vật tư thành Phòng Kế hoạch).

Xuất phát từ yêu cầu về hiệu quả kinh tế trong nghiên cứu chăn nuôi và tăng cường công tác dịch vụ thú y, bảo vệ sức khoẻ vật nuôi, tại quyết định số 312/NNTC/QĐ ngày 3/12/1982 của Bộ Nông nghiệp, Bộ môn Nghiên cứu Kinh tế chăn nuôi và Phòng thú y được thành lập. Năm 1992, Phòng Thú y phải giải thể, giao công tác thú y cho các Trung tâm quản lý trực tiếp.

Đối với các đơn vị nghiên cứu và thực nghiệm sản xuất, Trong giai đoạn này cũng có nhiều thay đổi nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và với sự năng động của các đơn vị dưới sự lãnh đạo, quản lý của Viện Chăn nuôi. Các đơn vị đó đều đã được đổi tên để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ, cụ thể như sau:

Khắc phục hậu quả của trận lũ lụt năm 1971, Trại Lợn Lê Thanh đã được Bộ Nông nghiệp cho phép chuyển về Thuỵ Phương, Từ Liêm và nhập với Trại Thuỵ Phương thành Trại Thí nghiệm Chăn nuôi Thuỵ Phương trực thuộc Viện Chăn nuôi từ năm 1972. Trại có Đội chăn nuôi Lợn và Đội chăn nuôi Gia cầm. Đến năm 1984, 2 Đội này được tách ra thành Trại nghiên cứu chăn nuôi lợn Thuỵ Phương và Trại nghiên cứu chăn nuôi gia cầm Thuỵ Phương. Đến năm 1989, cả 2 Trại được đổi tên là Trung tâm nghiên cứu Lợn Thuỵ Phương và Trung tâm nghiên cứu Gia cầm Thuỵ Phương.

Để triền khai công tác xây dựng cơ sở văn phòng và trại thí nghiệm chăn nuôi, Ban Kiến thiết 202 thuộc Cục Xây dựng – Bộ Nông nghiệp được chuyển giao sang cho Viện Chăn nuôi quản lý từ năm 1971. Những năm đầu tiên, Bộ quyết định ông Trần Thế Thông làm Trưởng Ban, ông Nguyễn Gia Duy và ông Phạm Ngọc Quý làm Phó Ban. Trong giai đoạn sau đó, do thay đổi nơi công tác, nên lần lượt thay đổi Trưởng Ban kiến thiết: Nguyễn Văn Thưởng, Nguyễn Gia Duy, Đinh Hông Luận, Nguyễn Bổn, Trần Tươi. Ban hoạt động cho đến năm 1991 làm nhiệm vụ lập kế hoạch thiết kế, nhận vốn từ Bộ và quyết toán vốn xây dựng, quản lý các công trình xây dựng của Viện. Từ năm 1991, Ban này được giải thể, công tác xây dựng cơ bản được Viện giao cho Phòng Kế hoạch phụ trách. 

Ngoài Ban Kiến thiết 202, khi nhiệm vụ thiết kế xây dựng Trại giống thỏ thịt Ba Vì được phê duyệt, Ban Kiến thiết khu chăn nuôi Ba vì thuộc Cục Xây dựng được chuyển giao trực thuộc Viện Chăn nuôi vào năm 1976 do ông Đỗ Khắc Toản làm Trưởng Ban, ông Nguyễn Ngọc Nam làm Phó Ban cho đến năm 1978, khi hoàn thành công trình thì Ban này giải thể.

Để có cơ sở nghiên cứu bò và đồng cỏ, Nông trường quốc doanh Ba vì thuộc Ban quản lý Nông trường quốc doanh được Bộ Nông nghiệp chuyển giao cho Viện Chăn nuôi quản lý tại quyết định số 210/NN-TC-QĐ ngày 19/7/1977. Ngày 12/10/1977, Trạm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba vì được sáp nhập với Nông trường này theo quyết định 292 NN -TC của Bộ Nông nghiệp. Đến năm 1989, Nông trường được đổi tên là Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba vì.

Xuất phát từ phương hướng, mục tiêu nghiên cứu phát triển chăn nuôi trâu ở Việt nam, Viện Chăn nuôi đã đề nghị Chính phủ cho nhập giống trâu sữa Murrah từ  ấn Độ để nhân thuần và lai cải tạo đàn trâu nội, tiến tới tạo giống trâu sữa. Tại quyết định số 211 NN -TC-QĐ ngày 20/7/1977 của Bộ Nông nghiệp, Trung tâm nghiên cứu Trâu và Đồng cỏ Sông Bé thuộc Viện Chăn nuôi được thành lập để tiếp nhận 502 con trâu sữa Murrah, trong đó có 2 con là quà của Chính phủ ấn độ tặng Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đến năm 1994, Trung tâm này được chuyển giao cho Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam quản lý.

Nhân chuyến thăm chính thức nước Hungary của Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1974, Chính phủ đã cho phép Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương nhập thỏ giống từ Hungary về nghiên cứu và phát triển chăn nuôi thỏ ở Việt nam. Sau đó, Trại giống Thỏ thịt Ba vì thuộc Viện Chăn nuôi được thành lập theo quyết định số 42 NN -TCCB-QĐ ngày 23/02/1978 của Bộ Nông nghiệp để tiếp nhận 1.500 con thỏ giống New -zealand white và California. Để phát huy hết tiềm năng cơ sở này, Bộ Nông nghiệp và CNTP giao nhiệm vụ bổ sung về nghiên cứu phát triển chăn nuôi dê tại quyết định số 66 NN -TCCB/QĐ ngày 2/4/1993 và đổi tên là Trung tâm nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn tây.

Để mở rộng cơ sở nghiên cứu và nhân giống vịt của Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp cho phép thành lập Trạm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên theo quyết định số 232 TCCB /QĐ ngày 27/10/1980 và Trạm được đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên tại quyết định số 412/TCCB-QĐ ngày 06/10/1981 của Bộ Nông nghiệp.

Các đơn vị cấp 3 trực thuộc Viện đều có tư cách pháp nhân và tài khoản riêng, có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm, lưu giữ quỹ gen, sản xuất dịch vụ và chuyển giao TBKT cho sản xuất.

Cơ chế quản lý tài chính trong những năm 1969-1982 hoàn toàn theo chế độ bao cấp. Viện Chăn Nuôi là cơ quan nghiên cứu khoa học có trách nhiệm quản lý một số vốn sự nghiệp khoa học, nghiên cứu thí nghiệm và sản xuất theo kế hoạch “chi đủ, thu đủ”. Viện được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và có con dấu riêng theo nguyên tắc chế độ của Nhà nước.

6.3. Thời kỳ hoạt động khoa học kết hợp với sản xuất kinh doanh (1982-1992)

Trước tình hình khó khăn chung về kinh tế của đất nước, trong những năm đầu của thập kỷ 80 (Thế kỷ 20), cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý trong công tác khoa học và hoạt động khoa học theo Chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật trọng điểm có mục tiêu của Nhà nước, Viện Chăn nuôi xác định trong công tác nghiên cứu khoa học -kỹ thuật, trước hết phải xuất phát từ những kết quả nghiên cứu và thực nghiệm đã đạt được, từ những kinh nghiệm vô cùng sinh động của quần chúng trong sản xuất, tổng kết thành những tiến bộ kỹ thuật đưa vào sản xuất, góp phần biến khoa học -kỹ thuật thành lực lượng trực tiếp sản xuất. Còn trong sản xuất, muốn sử dụng hết tiềm năng của đất đai, lao động, phải gắn nhiệm vụ sản xuất chăn nuôi với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp để tạo ra nhiều của cải vật chất và sản phẩm xã hội theo động thái: “Từ nghiên cứu đến sản xuất, thúc đẩy sản xuất có nhiều sản phẩm và từ sản xuất trở lại tạo thêm điều kiện về tiền vốn và vật tư hỗ trợ cho công tác nghiên cứu mở rộng và góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên”.  Từ hoạt động này, bước đầu Viện đã tiếp cận được với thị trường.

Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo trên, Viện Chăn nuôi đã chủ động tổ chức công tác nghiên cứu khoa học gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số đơn vị được hình thành từ sự khởi động theo tinh thần đó.

Trạm vật tư Nghiên cứu Chăn nuôi Thuỵ Phương được thành lập tại quyết định số 58 NN -TCCB/QĐ ngày 25/3/1982 của Bộ Nông nghiệp với nhiệm vụ khai thác nguyên liệu, sản xuất chế biến thức ăn gia súc, cung ứng các vật tư chuyên dùng cho các đơn vị trực thuộc, các cơ quan đơn vị quốc doanh, tập thể, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có hợp đồng nghiên cứu khoa học và ứng dụng TBKT của Viện vào sản xuất. Sau đó Trạm được đổi tên là Xí nghiệp vật tư nghiên cứu chăn nuôi tại quyết định số 187/TCCB/QĐ ngày 13/6/1985. Từ năm 1997 là Trạm Nghiên cứu và Thử nghiệm Thức ăn gia súc.

Trạm Vật tư Nghiên cứu Chăn nuôi T.P. Hồ Chí Minh được thành lập tại quyết định số 186 NN -TCCB/QĐ ngày 12/6/1985 của Bộ Nông nghiệp. Trạm là tổ chức kinh doanh cung ứng vật tư chuyên dùng phục vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Sau đó, Trạm được đổi tên thành Trạm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi theo quyết định số 403 NN -TCCB/QĐ ngày 26/11/1987 và đến năm 1989 đổi tên là Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi T.P. Hồ Chí Minh.

Đứng trước yêu cầu phát triển khoa học về công nghệ sinh học của Nhà nước, sau một thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực, đến năm 1983, Bộ môn Cấy truyền hợp tử được thành lập, đến năm 1989 đổi thành Trung tâm Cấy truyền hợp tử, nay là Bộ môn Cấy truyền phôi.

Theo quyết định số 83 NN -QĐ ngày 11/3/1983 của Bộ Nông nghiệp, phương thức quản lý tài chính “Gán thu bù chi” của toàn khối Viện Chăn nuôi được vận dụng các chế độ áp dụng đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh và được mở các tài khoản tiền gửi về vốn hoạt động tại các ngân hàng giao dịch để tiến hành công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, dịch vụ, sản xuất thực nghiệm và các hoạt động về sản xuất phụ. Tại quyết định số 96 NN -QĐ ngày 31/3/1983, Bộ Nông nghiệp cho phép Viện Chăn nuôi được quản lý hoạt động của các đơn vị nghiên cứu khoa học và các đơn vị phục vụ nghiên cứu trực thuộc Viện như một “Liên hiệp Khoa học và Sản xuất”. Viện có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và kinh doanh tổng hợp hàng năm trình Bộ duyệt; tổ chức thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Trong khuôn khổ của Dự án UNDP /FAO/VIE/86-007 trong những năm 1987-1992 về nghiên cứu và phát triển chăn nuôi vịt, một dây truyền giết mổ gia cầm được trang bị nhằm khép kín dây truyền sản xuất với chế biến thịt vịt. Với đề xuất của Viện,  Xí nghiệp nghiên cứu chế biến gia cầm được thành lập theo quyết định số 534 NN -TCCB/QĐ ngày 18/11/1988 của Bộ Nông nghiệp và CNTP. Nhiệm vụ của đơn vị là nghiên cứu chế biến thịt vịt, gà, ngan, ngỗng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 1989, Xí nghiệp được đổi tên  là Trạm nghiên cứu chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Thực hiện nghị quyết số 10/NQTW ngày 5/4/1988 của Bộ chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, ngày 6/6/1988 Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và CNTP đã có quyết định số 280 NN -TCCB/QĐ cho phép Viện Chăn Nuôi  chuyển chế độ quản lý của Viện Chăn Nuôi từ “Gán thu bù chi” sang “Hạch toán kinh tế độc lập” trong hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm và sản xuất trong phạm vi toàn Viện nhằm phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi  cho công tác nghiên cứu và thực nghiệm khoa học, đưa TBKT vào sản xuất. Vốn hoạt động của Viện gồm vốn nghiên cứu khoa học, vốn sản xuất kinh doanh từ nguồn chi ngân sách, vốn vay ngân hàng và vốn tự có.

6.4. Thời kỳ hoạt động khoa học - Công nghệ (1993-2002)

Thực hiện nghị định số 35 HĐBT ngày 28/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về công tác quản lý khoa học - công nghệ (KHCN), ngày 4/1/1993 Bộ Nông nghiệp và CNTP đã có quyết định số 02/NN-TCCB/QĐ chuyển chế độ quản lý của Viện Chăn Nuôi từ hoạch toán kinh tế độc lập sang “Hạch toán sự nghiệp khoa học” trong hoạt động nghiên cứu KH -CN và sản xuất thực nghiệm trên phạm vi toàn Viện.

Ngày 27/5/1993, Bộ Nông nghiệp đã phê duyệt Điều lệ hoạt động của tổ chức KHCN Viện Chăn Nuôi tại quyết định số 22 NN -TCCB/QĐ. Trên cơ sở đó, Bộ khoa học công nghệ và Môi trường đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số 167 ngày 31 tháng 8 năm 1993. Tiếp theo đó, các Trung tâm trực thuộc Viện Chăn nuôi cũng lần lượt được đăng ký là cơ quan hoạt động khoa học và công nghệ.

            Điều lệ hoạt động của Viện Chăn nuôi đã xác định chức năng của Viện là nghiên cứu khoa học, thực nghiệm và chuyển giao TBKT vào sản xuất, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ KHKT cho ngành và địa phương, thông tin và tư vấn các vấn đề KHKT. Nhiệm vụ của Viện cũng được nêu rõ: tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học ngắn và dài hạn về chăn nuôi trên các lĩnh vực: di truyền, chọn lọc giống, nhân giống gia súc, gia cầm có năng suất cao, sinh lý, sinh hoá, sinh sản và TTNT, dinh dưỡng, thức ăn, đồng cỏ và chế biến thức ăn, sinh thái vật nuôi, kỹ thuật và quy trình công nghệ chăn nuôi, kinh tế chăn nuôi. Ngoài  ra, Viện còn phối hợp với cơ quan nghiên cứu khoa học khác và địa phương tham gia nghiên cứu triển khai, sản xuất con giống gia súc, gia cầm có năng suất cao cung cấp cho sản xuất, giữ giống gốc và bảo tồn quỹ gen vật nuôi, hợp tác quốc tế và quản lý các cơ sở cấp 3 trực thuộc Viện.

Tổ chức bộ máy của Viện trong giai đoạn này có một số thay đổi như sau:

Trong khuôn khổ Dự án UNDP /FAO/VIE/86-008 về phát triển chăn nuôi bò thịt, Văn phòng dự án phát triển chăn nuôi Qui Nhơn thuộc Viện được thành lập; đến năm 1995, Viện Chăn nuôi đổi tên là Trạm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền Trung và đến năm 1997, Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định thành lập Trung tâm  nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền Trung.

Khi Trung tâm nghiên cứu Trâu và Đồng cỏ Sông Bé được giao cho Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam quản lý, một phần trâu sữa Murrah được chuyển ra nuôi tại Trại thí nghiệm Ngựa Bá vân và đơn vị được Bộ giao bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chăn nuôi trâu. Trại được đổi tên thành Trại nghiên cứu Ngựa và Trâu Bá vân tại quyết định số 419 NN -TCCB/QĐ ngày 16/5/1994 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và CNTP. Trại được đổi tên là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi theo quyết định số 06/1998/QĐ/BNN-TCCB ngày 10/1/1998 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Thực hiện quyết định của Bộ, Viện trưởng Viện Chăn nuôi đã có quyết định số 15/1998/VCN/QĐ ngày 30/4/1998 giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về chăn nuôi các giống gia súc, gia cầm và động vật rừng… phục vụ cho miền núi và trung du.

Xuất phát từ nhu cầu đào tạo cán bộ sau đại học nhằm tăng cường trình độ nghiên cứu khoa học của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong ngành chăn nuôi, xét khả năng của Viện, Chính phủ đã có quyết định số 643/TTg ngày 5/11/1994 về việc giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho Viện Chăn nuôi. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao 3 chuyên ngành đào tạo nghiên cứu sinh: Chăn nuôi Động vật nông nghiệp, Di truyền và chọn giống và Dinh dưỡng và Thức ăn vật nuôi. Thực hiện các quyết định trên và nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, Viện đã thành lập Phòng Đào tạo và Thông tin theo quyết định số 74/VCN/TC/QĐ ngày 18/11/1994.

Nhân chuyến thăm Viện Chăn nuôi, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã gợi ý cần nghiên cứu và bảo tồn những động vật quý hiếm có nguy cơ mất đi nhằm phát triển tính đa dạng sinh học. Năm 1997, Bộ môn Động vật quý hiếm và Đa dạng sinh học được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu bảo tồn quỹ gen vật nuôi ở nước ta.

Thực hiện quyết định của Chính phủ cho phép các Viện nghiên cứu và các Trường thành lập Doanh nghiệp liên doanh để hỗ trợ cho nghiên cứu và cải thiện đời sống, năm 1997 Viện Chăn nuôi đã liên doanh với Pháp thành lập Công ty sản xuất thức ăn gia súc Guyo -march’-VCN. Đây là một mô hình mới mà Viện Chăn nuôi đã triển khai, nhiều cổ đông góp vốn, đã thu hút hàng trăm lao động và đã nộp vào ngân sách hàng tỷ đồng /năm từ việc sản xuất, tiêu thụ các loại thức ăn gia súc, gia cầm, cá, tôm. 

Thực hiện phương án sắp xếp phù hợp các đơn vị nghiên cứu và kinh doanh thuộc Bộ, Trung tâm nghiên cứu gia cầm  thuộc Tổng Công ty Chăn nuôi Việt nam được chuyển nguyên trạng sang Viện Chăn nuôi quản lý tại quyết định số 208/1998/QĐ/BNN/TCCB ngày 20/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đơn vị này được đặt tên là Trung tâm nghiên cứu gia cầm  Vạn Phúc (Trụ sở ở tại chỗ cũ: Hà Đông, Hà Tây), là cơ quan khoa học -công nghệ trực thuộc Viện Chăn nuôi gồm 55 cán bộ công chức.

Để thống nhất về hệ thống nghiên cứu chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có quyết định số 31/2001/QĐ/BNN/TCCB ngày 26/3/2001 về việc bàn giao nguyên trạng các Bộ môn nghiên cứu chăn nuôi thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt nam sang cho Viện Chăn nuôi quản lý. Thực hiện quyết định trên, 2 Bộ môn Sinh lý dinh dưỡng gia súc và Di truyền động vật gồm 16 nghiên cứu viên và 2 kỹ thuật viên được sắp xếp vào các Bộ môn nghiên cứu phù hợp của Viện Chăn nuôi.

 

III. Những thành tựu nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Chăn nuôi  từ 1963 đến 2002

Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Viện Chăn nuôi đã trải qua những thời kỳ lịch sử quan trọng, đặc biệt là thời kỳ mà đất nước trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (1969-1975); đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức đã đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, từng bước trưởng thành và giành được những thành tựu quan trọng qua các giai đoạn phát triển.

A. Giai đoạn 1963 - 1968

Trong chương trình viện trợ kỹ thuật của Liên Xô (cũ), Ban Chăn nuôi được nhận một số giống vật nuôi như lợn, ngựa, bò ... cùng với một số trang thiết bị và chuyên gia. Theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương và chỉ thị của Chính phủ, cần giải quyết tốt hơn vấn đề thức ăn cho gia súc, phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò và các loại gia súc khác. Chính vì vậy, trong 5 năm (1963-1968), Ban Chăn nuôi đã thu được những kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực như sau:

1. Chăn nuôi lợn

            Đã điều tra và xây dựng tiêu chuẩn phân cấp các giống lợn ỉ, Móng Cái, Mường Khương, Mẹo, Lang Hồng. Đã áp dụng 2 công thức lai: Đại Bạch x ỉ và Béc–sia x ỉ vào sản xuất đạt kết quả cao: lợn lai F1 đạt 60-80 kg lúc 10 tháng tuổi,  trong khi lợn ỉ chỉ đạt 35-45 kg.

Đã nghiên cứu, kết luận một số kỹ thuật có hiệu quả như: thiến lợn đực vào ngày tuổi  thứ 30, lợn cái vào tháng thứ 3, cho lợn con ăn hỗn hợp khô sớm và ăn nhiều bữa, ở chuồng ấm kết hợp với thả vận động, chuồng lợn có hướng Đông Nam và làm chuồng 1 dãy, nền chuồng lợn nái có chất độn thời gian xuất thịt lợn ỉ tốt nhất vào lúc lợn đạt 50 kg.

Áp dụng các kết quả nghiên cứu trên, Ban đã thực nghiệm tổng hợp các biện pháp kỹ thuật và chính sách khuyến khích chăn nuôi để đạt 2 con lợn từ 40-50 kg/ha gieo trồng ở HTX. Kết quả nghiên cứu  về tổ chức quản lý các chỉ tiêu kỹ thuật (sản xuất thức ăn gia súc trên đất 5%, khẩu phần cho ăn, chế độ nuôi dưỡng, giống vv...) đã được áp dụng ở nhiều trại chăn nuôi tập thể, bước đầu đã đem lại kết quả tốt, các trại chăn nuôi đã sản xuất được một khối lượng thịt khá lớn và cung cấp phân bón cho trồng trọt.

2. Chăn nuôi gà

Nghiên cứu cải lương gà Ri trên cơ sở chọn lọc, nhân thuần để nâng cao thể trọng và sản lượng trứng, có những kết quả sơ bộ về đặc điểm  của gà Ri, chỉ tiêu thức ăn cho các loại gà nuôi nhốt và chăn thả, lai gà Ri với gà Rhode.

3. Chăn nuôi trâu và nâng cao sức kéo

Đã điều tra xác định một số chỉ tiêu sinh học, khả năng sản xuất, sức cày kéo của một số giống trâu miền núi Thanh Hoá, Nghệ An, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Nghiên cứu xác định nguyên nhân trâu bò chết nhiều trong mùa đông và sinh sản kém ở đồng bằng. Xây dựng mô hình chuyển giao TBKT ở các HTX miền núi như Lạng Sơn, Hoà Bình, Tuyên Quang. Công tác nghiên cứu giải quyết sức kéo kết hợp với sinh sản cũng được thực nghiệm ở 2 HTX vùng đồng chiêm là Bình Lục – Nam Hà và vùng Trung du là Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc.

4. Chăn nuôi bò

Ban Chăn nuôi đã xác định một hướng đi đúng đắn về nghiên cứu bò, nhất là hướng tạo giống bò sữa.

Bên cạnh việc điều tra cơ bản về giống bò lai Sind, Ban đã nghiên cứu nhân thuần giống bò này, chọn lọc và sản xuất ra bò đực giống cung cấp cho các Nông trường và các địa phương để cải tạo đàn bò vàng, nâng cao tầm vóc, tăng khả năng cho thịt và sức kéo.

Ban đã chọn lọc bò lai Sind làm đàn nền lai với bò lang trắng đen Bắc Kinh tạo bò lai cho sữa theo hướng tạo giống bò sữa ở nước ta.

5. Chăn nuôi Ngựa

Ban Chăn nuôi đã tiến hành điều tra, xác định một số chỉ tiêu cơ bản của giống ngựa Việt nam ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Đã nghiên cứu thích nghi giống ngựa Khabardin (Liên xô) và tạo ra một số ngựa lai F1 50%, 75% máu ngựa Khabardin với ngựa Việt Nam.

6. Đồng cỏ và cây thức xanh

Đã chỉ đạo trọng điểm ở Nam Hưng (Thái Bình) xây dựng điển hình thâm canh đồng cỏ với 2 giống cỏ thích hợp ở vùng 2 vụ lúa là cỏ Dày có phẩm chất tốt, đạt năng suất cao và cỏ lông Para giá trị dinh dưỡng có thấp hơn, nhưng chịu được ẩm cao. Từ trọng điểm đó, đã phát triển sang một số HTX khác ở vùng này và ở Vụ Bản, Nghĩa Hưng -Nam Hà. Đối với vùng Trung du, đã xây dựng được công thức cải tạo đồi cỏ tự nhiên đang thoái hoá bằng cách trồng băng cốt khí xen kẽ giữa các vạt cỏ ở HTX Mỹ Giang (Tùng Thiện - Hà Tây). Sau hơn 1 năm, năng suất cỏ lông xen với cỏ lông đồi tăng lên gấp 2, 5 lần, thảm cỏ được cải thiện, tăng độ ẩm, giảm độ chua, hàm lượng đạm rễ tiêu, đạm tổng số, mùn đều tăng. Các giống cỏ tây Nghệ An và cỏ lông Para trồng xen với cốt khí cũng tăng năng suất lên 13 – 41%.

7. Sử dụng nguồn và chế biến thức ăn gia súc

Đã điều tra, sử dụng và chế biến các loại thức ăn chủ yếu ở các vùng khác nhau. Ngô, khoai lang, khoai riềng là những loại cây thường được dùng nuôi lợn ở vùng màu. ở vùng 2 vụ lúa và vùng chiêm trũng thức ăn tinh chủ yếu là cám gạo, khoai nước, khoai lang tăng vụ, bèo cái, rau muống, rau lấp, bèo dâu. ở vùng Trung du, cây có bột chính là sắn, khoai môn, khoai lang, ngô, cây có đạm là đậu mèo, đậu ngồi, đậu nho nhe, thức ăn xanh là dây lang, cây chuối, đu đủ, bí.

            Đã nghiên cứu chế biến thức ăn như: làm bánh men đơn giản ủ vào thức ăn để nuôi lợn, lợn ăn được nhiều, lớn nhanh. Đã nghiên cứu dùng thức ăn hỗn hợp khô không phải nấu để nuôi lợn, vừa giảm chi phí, giảm công lại đảm bảo giá trị dinh dưỡng của thức ăn, làm tăng trọng cho lợn cao hơn 5-10%. Đã xác định tăng rau xanh lên 30-35% cho lợn vỗ béo và 45% cho lợn nái, kết hợp với thức ăn hỗn hợp có hiệu quả kinh tế cao hơn.

8. Sinh sản và Thụ tinh nhân tạo gia súc

Trong thời kỳ đó, đã tập trung nghiên cứu phẩm chất tinh dịch một số giống lợn nhập nội như Bershir, Landrace, Đại bạch, Duroc... có so sánh với phẩm chất tinh dịch của lợn nội. Các chỉ tiêu tổng số tinh trùng trong một lần xuất tinh (VC), tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần dẫn tinh (VAC) của lợn nội ít hơn so với lợn ngoại 10 lần, cả 2 loại đều có thẻ bảo tồn trong 2-3 ngày vẫn còn đạt tỷ lệ thụ thai cao.

Từ nghiên cứu phẩm chất tinh dịch trong thụ tinh nhân tạo (TTNT), đã nghiên cứu ứng dụng môi trường tổng hợp pha loãng tinh dịch của Liên Xô bằng hoá chất (Môi trường 2 - ký hiệu Gtrci - 2) thêm 3-5% lòng đỏ trứng gà, bảo quản ở nhiệt độ 10-120C có thể bảo tồn tinh dịch được 44 giờ, phối giống đạt tỷ lệ thụ thai 83-88%. Môi trường này đã được đưa vào quy trình kỹ thuật áp dụng trong sản xuất từ năm 1970.

Ngoài các nội dung nghiên cứu trên, còn nghiên cứu liều lượng dẫn tinh và số lượng tinh trùng cần thiết cho một lần thụ thai; quá trình rụng trứng và thời điểm dẫn tinh thích hợp nhất cho lợn nái; xác định phương pháp lấy tinh lợn đực không qua âm đạo giả có giá trị khoa học và kinh tế hơn so với dùng âm đạo giả; đã nghiên cứu xác định: dùng huyết thanh ngựa chửa có thể gây động dục ở lợn nái nân sổi trên 90% và nếu kết hợp với hormon metalibure và Progesteron đã gây động hớn đồng loạt ở lợn với tỷ lệ 90-100%, tỷ lệ thụ thai cũng đạt trên 90%.

Đồng thời, đã nghiên cứu hoàn thiện các khâu kỹ thuật TTNT cho trâu và áp dụng vào sản xuất ở các cơ sở nuôi trâu.

Trong giai đoạn 1963-1968, công tác nghiên cứu chăn nuôi đã có nhiều tiến bộ so với trước; nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do cán bộ còn thiếu và yếu và do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác chưa có điều kiện khắc phục.

  1. Giai đoạn 1969 - 1980

Các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nêu mục tiêu cho ngành Nông nghiệp là phải phấn đấu đưa chăn nuôi từ sản xuất nhỏ, cá thể, phụ thuộc, năng suất thấp lên thành ngành chăn nuôi chuyên canh, thâm canh, cân đối với trồng trọt và dần từng bước trở thành một ngành sản xuất chính trong sản xuất Nông nghiệp.

Sau khi giải phóng miền Nam, Viện đã cử nhiều đoàn cán bộ đi vào Nam điều tra các giống vật nuôi và nguồn thức ăn gia súc để đề xuất hướng nghiên cứu cho ngành.

Trong giai đoạn này, Viện Chăn nuôi sau khi tái lập đã tiến hành nghiên cứu theo đề tài ghi trong kế hoạch hàng năm và 5 năm. Hướng nghiên cứu chủ yếu tập trung vào tăng năng suất chăn nuôi lợn, gia cầm và trâu, bò. Những thành tựu nghiên cứu khoa học được ghi nhận trong giai đoạn đó là:

1. Tăng năng suất chăn nuôi lợn

1.1. Giống lợn

Từ những giống lợn nội T (ỉ, Móng cái...) nhỏ con, năng suất thấp, Viện đã nghiên cứu xác định được các công thức lai kinh tế giữa lợi nội với lợn nội (ỉ x Móng Cái, Mường Khương x ỉ), lợn ngoại với lợn nội (Becshire x ỉ, Landrace x ỉ, Đại bạch x Lang hồng, Landrace x Lang Hồng), và lợn ngoại với lợn ngoại (Landrace x Đại Bạch, Landrace x Becshire), đã khảng định tất cả các công thức lai  kinh tế lợn đều thể hiện ưu thế lai và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lợn nội dùng làm đàn nền để lai. Nếu chọn lọc và nuôi dưỡng tốt lợn lai giữa đực ngoại với cái nội, lợn xuất chuồng lúc 10 tháng tuổi có thể đạt 110 - 120 kg, tiêu tốn khoảng 4-5 đơn vị thức ăn /kg tăng trọng. Đối với con lai giữa lợn ngoại với lợn ngoại thì có thể đạt khối lượng đó ở 6-7 tháng tuổi.

Trong quá trình nghiên cứu thích nghi các giống lợn ngoại: Đại Bạch, Becsai, Landrace, DE (Daetsche Edell schweine), Cornwall, Duroc... Viện nhận thấy: nếu có đầy đủ thức ăn, các giống lợn ngoại đều có thể phát triển tốt ở nước ta, không bị lệ thuộc nhiều về thời tiết, khí hậu.

Thành tích nổi bật trong nghiên cứu giống lợn ở giai đoạn này là đã nghiên cứu thành công 2 công thức lai tạo giống lợn là Becshire - ỉ và Đại bạch – ỉ ở thế hệ 3 và 4; trong đó, giống Becshire - ỉ đã tạo ra 2 dòng và giống Đại bạch – ỉ tạo ra 4 dòng, đạt năng suất và sản lượng cao hơn hẳn lợn ỉ và lợn Móng cái. Một lợn nái giống mới Đại bạch – ỉ nuôi thâm canh một năm có thể sản xuất được 1 tấn thịt hơi. Giống lợn mới này được nuôi rộng rãi trong nhân dân. Năm 1981, công trình nghiên cứu này đã được Nhà nước công nhận 2 giống lợn mới này với tên gọi là: “BSI-81” và “ĐBI -81”.

1.2. Dinh dưỡng và thức ăn

Trong những năm ấy, Viện Chăn nuôi đã điều tra về tập đoàn cây thức ăn gia súc ở 2 miền Nam Bắc. Đã phân tích thành phần hoá học để tính giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn gia súc. Viện cũng đã nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn ăn làm căn cứ khoa học xây dựng khẩu phần ăn của các loại lợn và của các giống lợn.

Đồng thời với nghiên cứu tiêu chuẩn và khẩu phần ăn cho lợn, Viện cũng đã nghiên cứu một số công thức thức ăn hỗn hợp bằng các nguồn nguyên liệu trong nước và đã kết luận: có thể dùng thức ăn tinh tự sản xuất ở địa phương, bổ sung thêm protein, dicanxi-phốt-phát, muối ăn để nuôi lợn thịt không phải dùng rau xanh. Còn nuôi lợn nái nhất thiết phải dùng rau xanh, nếu không lợn đẻ kém, đẻ ít con, khó nuôi, ảnh hưởng xấu đến các lứa sau. Đã áp dụng kỹ thuật nuôi lợn bằng thức ăn hỗn hợp sống thay tập quán lâu đời là nấu thức ăn chín trước đó.

Ngoài ra, Viện còn nghiên cứu tìm sử dụng các nguồn thức ăn bổ sung, nhất là nguồn thức ăn protein động - thực vật như nghiên cứu dùng nấm men khô thay bột cá, sử dụng bột bỗng rượu khô thay một phần khô dầu đậu tương trong thức ăn hỗn hợp; nghiên cứu kỹ thuật ủ sắn, khoai lang, khoai tây có tác dụng tốt cho chăn nuôi lợn.  

2. Tăng năng suất chăn nuôi gia cầm

2.1. Gà

Chủ đề nghiên cứu về gà của Viện Chăn nuôi trong thời gian đó là cố gắng tạo một giống gà đẻ trứng có thể nuôi được rộng rãi trong chăn nuôi tập thể và gia đình xã viên.

Để dạt được mục đích trên, một mặt, Viện ã nghiên cứu thích nghi một số giống gà Leghorn, gà Plymouth, gà Australorp, gà Rhode island, kết luận giống gà Rhode dễ nuôi ở nước ta. Con mái Rhode khi trưởng thành nặng 2,5 kg, đẻ 150 quả trứng /năm, bình quân trứng nặng 53 g /quả, đạt chỉ tiêu giống như ở nước nguyên gốc. Trên cơ sở kết quả lai kinh tế giữa gà Rhode với gà Ri, Viện đã tiến hành nghiên cứu lai tạo giống gà Rhode -Ri. Khi đó, giống gà này  đã được cố định ở thể hệ 3, khối lượng trưởng thành của con mái là 2,2-2,4 kg, sản lượng trứng đạt 149-150 quả/năm với khối lượng 49-50 g/quả. Viện đã chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà vào sản xuất thực nghiệm  ở một số hợp tác xã khu vực Hà nội.

 

Cùng với công tác tạo giống, Viện đã nghiên cứu xác định tiêu chuẩn, khẩu phần ăn cho gà giống mới; xác định mật độ thích hợp nuôi gà con từ mới nở đến 2 tháng tuổi và kỹ thuật nuôi gà con 1 ngày tuổi trong điều kiện ở hợp tác xã.

2.2. Vịt

Viện đã nghiên cứu thích nghi một số giống vịt Bắc Kinh, Coureur indien, Kakicampbell, Cheryvalley (Thung lũng Anh Đào). Kết luận vịt Bắc Kinh, vịt Thung lũng Anh Đào nuôi thuần được ở nhiều vùng khác nhau của nước ta, không cần phải lai tạo vẫn cho năng suất cao: Vịt Bắc Kinh cho sản lượng trứng 115-120 quả/năm, khối lượng trứng là 75-85 g/quả, vịt nuôi vỗ béo 2 tháng tuổi đạt đạt bình quân 2,068 kg/con, nếu có nhiều thức ăn protít có thể đạt 2,2-2,3 kg, trong khi đó nuôi vịt bầu (giống  thịt) của nước ta chỉ đạt 1,65 kg.

 

2.3. Ngỗng

Viện cũng đã nhập, nghiên cứu thích nghi giống ngỗng Rheinland và kết luận giống ngỗng này nuôi được ở nước ta và cho 54 quả trứng /năm, không thua kém so với nuôi ở Hungary.

Bên cạnh công tác nghiên cứu về giống ngỗng, vịt, Viện Chăn nuôi cũng đã nghiên cứu thiết kế và đưa vào sử dụng một loại máy ấp trứng bằng hơi nước; mỗi đợt ấp có thể ấp được 500-1.500 quả trứng gà hoặc 338-1.100 quả trứng vịt.

3. Tăng năng suất chăn nuôi Trâu, Bò, Ngựa

Mục tiêu nghiên cứu của Viện Chăn nuôi trong thời kỳ đó cũng như sau này là nghiên cứu thích nghi những giống bò, trâu nhập nội, tập trung nghiên cứu kỹ thuật lai tạo giống bò, trâu của ta thành những giống bò sữa, trâu sữa của Việt nam, nhằm giải quyết tại chỗ vấn đề sữa cho đất nước bằng cách đi riêng của mình.

Thực hiện được mục tiêu trên, Viện Chăn nuôi đã tổ chức nghiên cứu và thu được một số kết quả sau đây:

3.1. Bò

Thông qua điều tra, khảo sát nhận thấy năng suất giống bò Vàng Việt nam thấp: Bò đực nặng 217-270 kg, Bò cái nặng 186-204 kg, tỷ lệ thịt xẻ thấp 44-45%, sản lượng sữa khoảng 300-400 kg.

Nghiên cứu lai bò thịt Việt nam với bò đực Zebu (bò Sind), con lai Sind có khối lượng tăng lên 30-35%, lượng sữa cũng tăng gấp 2 lần. Công thức lai này đã được áp dụng trong sản xuất với phong trào “Sind hoá đàn bò Vàng Việt nam” chẳng những có ý nghĩa cải tạo đàn bò Vàng Việt nam, mà còn có ý nghĩa tạo đàn bò nền có máu Zebu dùng trong lai kinh tế bò thịt và trong công tác tạo giống bò sữa, bò thịt ở Việt nam.

Giống bò Holstein friesian (HF) nhập từ Cu Ba, nuôi ở Mộc Châu đạt sản lượng sữa là 4.000-4.500 kg sữa / chu kỳ tiết sữa.

Nghiên cứu lai giữa bò đực HF với bò cái lai Sind tạo ra đàn bò lai F1 lấy sữa đạt 350 kg và 1.800-2.000 kg sữa /chu kỳ. Tỷ lệ mỡ sữa 4-4,2%.

Từ kết quả xác định công thức lai bò hướng sữa, Viện cũng đã khảng định được công thức lai tạo giống bò sữa Việt nam. Lúc đó Viện đã tạo được khoảng 350-400 con cái hậu bị và cái sinh sản bao gồm các phẩm giống F1 1/2, F2 3/4, F2 5/8 và F2 11/16 máu bò HF. 

3.2.  Trâu

Tập trung một số trâu Yên Bái, trâu Nghệ An, trâu Thanh Hoá để nghiên cứu sâu một số tính năng sản xuất ở Trại Trâu Ngọc Thanh. Viện đã phát hiện thấy trâu Việt nam có sản lượng sữa cao hơn so với bò Việt nam (600 kg so với 300-400 kg sữa /chu kỳ vất sữa). Đặc biệt, tỷ lệ mỡ sữa trâu Việt nam rất cao (bình quân 10-11%).

Từ xác định khả năng sản xuất sữa của trâu Việt nam, Viện đã đề nghị nhập giống trâu Murrah nuôi thích nghi ở Việt nam, nhận thấy trâu Murrah dễ nuôi ở nước ta, sản lượng sữa đạt  1.313 kg sữa /chu kỳ vắt sữa. Ngoài ra, Viện cũng nghiên cứu dùng trâu Murrah lai với trâu Việt nam tạo đàn trâu lai F1 lấy sữa.

3.3. Ngựa

Viện đã nghiên cứu tạo ngựa lai 25% máu ngựa Cabardin phù hợp với điều kiện ở miền núi, nâng cao được khối lượng ngựa trưởng thành từ 175 kg lên 250 kg; khả năng thồ, kéo, cưỡi cũng cao hơn 30-35% so với ngựa nội.

Đồng thời đã xây dựng được các Trạm truyền giống, những điểm chuyển giao TBKT về ngựa ở một số tỉnh miền núi, tiến hành sản xuất huyết thanh ngựa chửa, nghiên cứu về giống, sinh sản và thụ tinh nhân tạo cho ngựa.

4. Đồng cỏ

Để đồng cỏ có năng suất cao, Viện đã nghiên cứu thích nghi một số giống cỏ cao sản như voi lai Kingrass (Pennisetum purpureum), cỏ Pangola Pa -32 (digitaria decumbens), cỏ Guinea (Panicum maximum), cỏ Ruzi (Brachiaria ruziziensis), cỏ Stylo (Stylosanthes gracilis)... để trồng làm thức ăn cho gia súc, nhất là gia súc nhai lại. Đã chọn được một số giống cỏ thích hợp để đưa vào sản xuất như: cỏ voi kingras sản xuất thâm canh đạt 200-300 tấn /ha/năm cắt cho ăn tại chuồng và ủ urea, cỏ Pangola Pa - 32 có năng suất bình quân 45-50 tấn /ha/năm, có thể làm bãi chăn thả, trồng cắt phơi khô dự trữ, ăn xanh tốt quanh năm.

C. Giai đoạn 1981 - 2002

Điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Chăn nuôi từ những năm ’80 là hoạt động theo Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước.

Chương trình 02- 03: "Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp khoa học và kỹ thuật để phát triển chăn nuôi lợn theo vùng kinh tế khác nhau"; Chương trình 02-08: "Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp khoa học và kỹ thuật nhằm phát triển chăn nuôi trâu, bò tăng sản lượng thịt, sữa..."; Chương trình 02-09: "Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp có căn cứ khoa học để tăng sản lượng thức ăn và sử dụng hợp lý nguồn thức ăn giàu protein ở các vùng khác nhau trong nước" giai đoạn 1981-1985.

Chương trình 02.B: "Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp tổng hợp nhằm phát triển và nâng cao năng suất chăn nuôi" giai đoạn 1986 - 1990.

Chương trình KN -02: "Nghiên cứu xác định và đưa vào sản xuất những biện pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi" giai đoạn 1991- 1995. Trong Chương trình này, Viện đã thực hiện 22 đề tài nhánh về các giống vật nuôi và biện pháp kỹ thuật liên quan.

Chương trình KHCN -08 “Phát triển nông nghiệp toàn diện, đa dạng và từng bước hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn” giai đoạn 1996 – 2000. Trong đó, Viện chủ trì các đề tài: KHCN-03 “Phát triển chăn nuôi lợn”, KHCN-08-05 “Phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt”, KHCN 08-07: “Phát triển chăn nuôi gia cầm”. Từ năm 1990 đến nay, Viện Chăn nuôi còn thực hiện Chương trình nghiên cứu “Bảo tồn quỹ gen vật nuôi” và đã nuôi giữ một số động vật quý hiếm, nhằm lưu giữ những nguồn gen của động vật có nguy cơ diệt chủng, phát triển tính đa dạng sinh học vật nuôi ở nước ta.

Từ năm 2001, Viện Chăn nuôi đã tham gia Chương trình Công nghệ sinh học cấp Nhà nước và đang chủ trì 2 đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật di truyền phân tử trong chọn, tạo giống vật nuôi năng suất cao” và “Nghiên cứu phát triển công nghệ phôi và thử nghiệm công nghệ cloning trong nhân tạo giống bò sữa cao sản”.

Hàng năm Viện còn chủ trì, thực hiện 10-30 đề tài nghiên cứu cấp Ngành thuộc các lĩnh vực về giống, dinh dưỡng, thức ăn, chế biến sản phẩm, kinh tế và hệ thống chăn nuôi...

Từ hoạt động theo Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ -khoa học có cấp Nhà nước và cấp ngành, Viện đã đạt được những kết quả chủ yếu như sau:

1. Giống lợn

Từ những cặp lai kinh tế đơn giản vào những năm ’60 - ’70 của thế kỷ 20, giống lai Hibrid đã làm biến đổi về lượng và chất đàn lợn ở nước ta. Đến năm 2000, ta đã có trong sản xuất các cặp lợn lai kinh tế lợn ngoại với lợn nội và lợn ngoại với lợn ngoại đạt tỷ lệ thịt nạc cao, nuôi được ở mọi miền đất nước. Cặp lai dùng lợn đực Yorshire lai với lợn Móng Cái tạo đàn lợn lai F1 (Yorshire x Móng cái) nuôi thịt 8 tháng tuổi đạt 75-80 kg, tỷ lệ thịt nạc /thân thịt xẻ đạt 40-42%. Dùng lợn đực Landrace cho lai với cái Fl (Yorshire x Móng cái), con lai F2 có 3/4 máu ngoại, nuôi thịt 6 tháng tuổi đạt 80-90 kg, tỷ lệ thịt nạc /thân thịt xẻ 47-48%, trong khi đó lợn Móng Cái nuôi thịt 10 tháng tuổi chỉ đạt 60-65 kg, tỷ lệ thịt nạc /thân thịt xẻ 34-36%. ở các cặp lai kinh tế lợn ngoại với lợn ngoại, lợn lai F1 (Landrace x Yorshire) và F2 giữa lợn đực Duroc hoặc Pietrain với lợn cái Fl (Landrace x Yorshire), con lai nuôi thịt 6 tháng tuổi đạt 100 kg, tỷ lệ thịt nạc /thân thịt xẻ 56-58% và cao hơn, trong khi đó, ở lợn ngoại thuần nuôi thịt, tỷ lệ thịt nạc /thân thịt xẻ chỉ đạt 52-54%. Hiện nay lợn lai kinh tế được nuôi rộng rãi trong cả nước, đưa sản lượng thịt lợn từ 270 nghìn tấn năm 1976 lên 729 nghìn tấn năm 1990, đạt 1.006 nghìn tấn năm 1995 và 1.409 nghìn tấn năm 2000, chiếm 76% tổng sản lượng lợn thịt hơi các loại (l.836 nghìn tấn). Công trình "Nghiên cứu lợn lai có năng suất và chất lượng cao ở Việt nam" đã được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000.

2. Giống bò

Từ chỗ chưa có bò sữa, nay ta đã tạo được đàn bò lai hướng sữa F11 /2, F23/4 và F37 /8 máu bò Holstein Friesian (HF) với tổng số 35.000 con nuôi ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, trong đó có 16.000 bò cái vắt sữa, sản xuất được 52.000 tấn sữa với sản lượng sữa bình quân đạt 3.200- 3.300 kg sữa /cái vắt sữa /năm, trong đó sản lượng sữa đàn bò lai hạt nhân F11 /2 HF là 3.414 – 3.634 kg, F3 3/4 HF là 3.615-3.795 kg sữa /chu kỳ vắt sữa 305 ngày. Công trình nghiên cứu bò lai hướng sữa được tặng Giải thưởng Nhà nước vào năm 2000.

3. Giống gia cầm

3.1. Gà

Viện đã nghiên cứu một số giống gà công nghiệp như: Goldline, Hi-line, Ross- 208, Cornish, Plymouth trong những năm cuối của thập kỷ 90, hiện nay đã chọn lọc được những giống gà lông màu thả vườn như: Hoa Lương Phượng, Tam Hoàng 882, Jiangcun (Trung Quốc) có sản lượng trứng đạt 160- 165 quả/năm, khối lượng trứng 53-55 gam/quả, gà nuôi thịt lúc 77 ngày tuổi đạt 1,5 - 1,9 kg/con; giống gà Kabir (Israel), sản lượng trứng 150-170 quả/năm, khối lượng trứng 55-56 gam, gà nuôi thịt lúc 63 ngày tuổi đạt 2,10-2,20 kg; giống gà Sasso (Pháp) sản lượng trứng 185-195 quả/năm, nuôi giết thịt lúc 90-100 ngày tuổi đạt 2,1-2,3 kg/con.

Thành tích đặc biệt của công trình nghiên cứu gia cầm là nhóm giống gà Rhode -Ri đã được Nhà nước công nhận, cho phép đưa vào sản xuất (năm 1985). Giống gà này đã được lai với các giống gà khác và một số công thức lai đã được công nhận là những TBKT, được áp dụng trong sản xuất như: Leghorn x Rhode-Ri (năm 1993); Godline x Rhode-Ri (năm 1994);  Tam hoàng 882 x Rhode -Ri (Năm 1997); Tam hoàng -Jiangcun x Rhode-Ri (Năm 1999). Con lai nuôi thịt lúc 9-10 tuần tuổi đạt 2,3-2, 4 kg với mức tiêu tốn 2,4-2, 5 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng.

3.2. Vịt

Viện đã nghiên cứu chọn lọc và nhân thuần giống vịt cỏ, đưa sản lượng trứng đạt 220 quả/năm. Đặc biệt ta đã nhập nuôi thích nghi và nhân thuần giống vịt chuyên trứng Khaki campbell đạt 275-280 quả trứng /năm và giống vịt chuyên trứng CV layer - 2000 đạt 270-280 quả trứng /năm; vịt siêu thịt CV. Super M dòng nặng cân, sản lượng trứng đạt 170-195 quả, khối lượng vịt lúc trưởng thành 3,2-3,6 kg, dòng nhẹ cân sản lượng trứng đạt 180-220 quả/năm và khối lượng vịt lúc trưởng thành đạt 2,7-3, 1 kg. Đã lai các dòng vịt này tạo vịt thương phẩm nuôi thịt lúc 8 tuần tuổi đạt 3,0-3,4 kg/con. Đã sử dụng các giống vịt này vào việc xây dựng mô hình nuôi vịt kết hợp thả cá, trồng lúa ở  đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ, được nông dân áp dụng rộng rãi, có hiệu quả kinh tế cao. Phương thức nuôi vịt trên khô, không cần nước bơi lội, không theo mùa vụ được áp dụng có hiệu quả ở nhiều vùng. Với những thành tích đó, công trình nghiên cứu vịt siêu thịt CV Super M đã được tặng Giải thưởng Nhà nước vào năm 2000.

3.3. Ngan

            Chăn nuôi ngan được Viện bắt đầu nghiên cứu từ năm 1991, đến nay đã được công nhận là TBKT dòng ngan Pháp R31, R51 (1997), dòng ngan siêu nặng (2001) có năng suất trứng 190-210 quả/năm, nuôi thịt lúc 12 tuần tuổi con trống đạt 4,5-5,5 kg, con mái đạt 2,5-3 kg. Hiện nay đã tạo ra 11 dòng ngan Pháp năng suất, chất lượng cao, trong đó có 4 dòng ngan ông, bà R51 và 4 dòng ngan ông, bà R71.

3.4. Ngỗng

Viện đã kết thúc công trình nghiên cứu thích nghi giống ngỗng Rheiland và được Nhà nước công nhận giống năm 1986, là TBKT được áp dụng vào sản xuất ở nước ta.

Bên cạnh công tác nghiên cứu về giống gia cầm, Viện Chăn nuôi cũng đã nghiên cứu thiết kế và đưa vào sử dụng một loại máy ấp trứng bằng hơi nước; mỗi đợt ấp có thể ấp được 500-1.500 quả trứng gà hoặc 338-1.100 quả trứng vịt.

4. Giống Trâu:

Viện đã tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Bộ nhằm chọn lọc nâng cao khả năng sản xuất thịt và cày kéo của trâu nội; nghiên cứu vỗ béo trâu 18-24 tháng tuổi; sử dụng trâu đực Murrah lai với trâu cái Việt nam  tạo con lai F1 tăng khả năng cho thịt và sức cày kéo ở miền núi; nghiên cứu xây dựng mô hình tạo nguồn  thức ăn cho trâu trong hộ nông dân miền núi. Nhiều năm, Viện tổ chức thi, bình tuyển trâu nội ở Tuyên Quang, Thái Nguyên.

5. Giống Ngựa

            Trong những năm 1985-1998, Viện đã thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Phát triển ngựa lai phù hợp với miền núi” và Hoàn chỉnh qui trình công nghệ sản xuất kích dục tố huyết thanh ngựa chửa”. Viện đã tạo ra gần 10.000 con ngựa lai phục vụ cho miền núi; sản xuất hàng triệu liều HTNC và nhiều chế phẩm sinh học như Gama -globulin, đạm thuỷ phân từ bột hồng cầu ngựa, huyết thanh kháng lepto, trực khuẩn mủ xanh, cao ngựa, thức ăn bổ sung cao đạm từ máu ngựa… phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất.

            Năm 1999-2000, đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước về “Nghiên cứu chọn lọc, lai tạo ngựa địa phương với ngựa Cabardin phục vụ cho dân sinh và quốc phòng” đã được thực hiện. Đề tài này đã tạo ra gần 400 ngựa giống thuần và con lai 25-50% m¸u ngùa Cabardin cã søc lµm viÖc cao h¬n 30-50% so víi ngùa néi.

 

6. Nghiên cứu về giống dê

Đã đưa giống dê Bách Thảo nuôi truyền thống theo phương thức quảng canh từ Ninh Thuận ra miền Bắc để nghiên cứu nhân thuần lấy thịt và sữa. Giống dê Bách Thảo này có tầm vóc lớn, ở lứa tuổi 12 tháng đạt 34-35 kg, có sản lượng sữa 180 kg / chu kỳ 150 ngày vắt sữa, tỷ lệ mỡ sữa là 5,44%. Đã dùng con đực lai cải tạo giống dê cỏ địa phương, đưa khối lượng của dê lai F1 lúc l2 tháng tuổi đạt 24-25 kg/con, trong khi dê cỏ chỉ dạt 12-14 kg. Công trình nghiên cứu xác định đặc điểm sinh học và khả năng sản xuất của dê sữa Bách thảo đã được nhận Giải thưởng Bông lúa vàng Việt nam năm 1997. 

Ngoài ra, Viện đã nghiên cứu thích nghi 3 giống dê sữa nhập từ ấn độ (Barbari, Jumnapari và Beetal) vào năm 1994. Đến nay, cả 3 giống dê này được đưa vào sản suất lấy sữa với năng suất 0,9-3 lít /con/ngày trong chu kỳ vắt sữa là 150-180 ngày.

7. Giống Thỏ

Năm 2000, Viện đã nhập 3 giống thỏ năng suất cao (New-zealand, Panon và Kalifornia) từ Hungari để làm tươi máu đàn thỏ giống được nhập từ năm 1978 và nghiên cứu phát triển chăn nuôi thỏ ở nước ta. Với kết quả lai tươi máu, đã nâng khối lượng trưởng thành của giống thỏ New -zealand từ 3-3, 5 kg lên 5-5,5 kg, tăng khả năng sinh sản từ 5, 5 lứa lên 6 lứa/năm và từ 5, 6 con lên 6,5 con/lứa.

8. Động vật quý hiếm - Bảo tồn nguồn gen vật nuôi

Từ năm 1990 đến nay, Viện Chăn nuôi còn thực hiện Chương trình nghiên cứu “Bảo tồn quỹ gen vật nuôi” và đã nuôi giữ một số động vật quý hiếm, nhằm lưu giữ những nguồn gen của động vật có nguy cơ diệt chủng như lợn ỉ, gà Hồ, cừu Phan Rang, dê Bách Thảo, thỏ Xám và Đen Việt nam, vịt Bầu quỳ, vịt Bỗu Bến,  gà H’mông…

Từ năm 1996, Viện đã nuôi giữ và phát triển giống chim Bồ câu Pháp. Đã tạo ra và được công nhận là TBKT 3 dòng bồ câu VN1 (1999), dòng Titan và dòng Mimas (2001) với khối lượng lúc 28 ngày tuổi đạt 550-700 g/con, 7-8 lứa đẻ /năm. Ngoài ra, còn nghiên cứu nuôi thích nghi giống đà điểu nhập từ Úc, đến năm thứ 3 đạt 40 quả trứng /mái /năm và năm 2001 được đưa vào sản xuất thử.

Đến nay, Viện đã áp dụng phương pháp di truyền phân tử để đánh giá bản chất của 51 giống vật nuôi quý của Việt Nam và đã bảo tồn được 2.181 mẫu AND của 39 giống.

9. Dinh dưỡng và thức ăn vật nuôi

Viện Chăn nuôi đã có những công trình phân tích xác định thành phần dinh dưỡng các nguồn thức ăn gia súc Việt Nam. Năm 2001, Viện đã tái bản lần thứ 4 quyển sách “Thành phần và giá trị dinh dưỡng thức ăn gia súc Việt nam”. Tài liệu này đã và đang được sử dụng cho nghiên cứu, giảng dạy và sản xuất ở Việt nam.

Nhiều công trình nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩnN, khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng các loại gia súc, gia cầm thuộc các lứa tuổi và hướng sản xuất khác nhau đã được công nhận là TBKT, được áp dụng trong sản xuất. Chương trình nghiên cứu về công nghệ chế biến thức ăn vật nuôi từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp, hải sản đã được áp dụng cho chăn nuôi có hiệu quả kinh tế  cao. Nghiên cứu cân bằng năng lượng, acid amin, vitamin, khoáng trong khẩu phần đang được triển khai.

            Với kết quả nghiên cứu trên, đã góp phần giảm mức tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng từ 3,8-4, 0kg xuống còn 2,9-3, 1kg đối với lợn (trong nghiên cứu); trong sản xuất đại trà giảm từ 4,0-4, 5 kg xuống còn 3,2-3,5 kg; tương tự đối với chăn nuôi gà công nghiệp, giảm từ 2,5-3, 0 kg xuống còn 2,0-2,2 kg.

10. Đồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi

Trong giai đoạn này, Viện Chăn nuôi  đã kết luận một số giống cỏ hoà thảo có năng suất cao và hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch như: vỏ voi Kingrass năng suất 200-300 tấn /ha, cỏ Pangola Pa -32, cỏ Ghi nê, cỏ Ruzi năng suất 50-60 tấn /ha. Đã nhập nghiên cứu và phát triển trong sản xuất  một số cây họ đậu như keo dậu, Trichanteara gigantea, Flemingia macrophilla vv... dùng làm bãi chăn thả hoặc cắt cho ăn bổ sung tại chuồng hay cắt phơi khô và ủ tươi dự trữ cho mùa đông mở hướng giải quyết thức ăn cho gia súc ăn cỏ trước hết cho trâu, bò, dê nuôi tập trung theo kiểu trang trại và tư nhân; đồng thời có tác dụng cải tạo đất, bảo vệ môi trường.

11. Sinh sản và Thụ tinh nhân tạo

Trong giai đoạn này, đã hoàn thiện hơn về kỹ thuật lấy tinh, đánh giá chất lượng, pha loãng bảo tồn và dẫn tinh dịch lợn, trâu, bò. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh học và pha loãng bảo tồn tinh dịch lợn ở Việt nam. Viện đã sản xuất được “Môi trường hỗn hợp sẵn” và xây dựng qui trình kỹ thuật TTNT cho lợn được áp dụng vào sản xuất ở các Trạm TTNT các tỉnh. Viện đã soạn thảo “Tiêu chuẩn cấp Nhà nước về tinh dịch lợn và môi trường pha loãng”. Đặc biệt, Viện đã nghiên cứu những kỹ thuật này trên các đối tượng vật nuôi khác như: gà, ngan, ngỗng, dê. Trong đó, đề tài nghiên cứu kỹ thuật lấy tinh, đánh giá chất lượng, pha loãng bảo tồn và dẫn tinh dịch trên gà đã được thưởng Huy chương vàng tại Hội chợ Giảng Võ năm 1989. Riêng đề tài nghiên cứu  lấy tinh ngan đực phối với vịt mái tạo ra con lai Mullard là một đột phá trong kỹ thuật, là đóng góp mới cho khoa học và sản xuất.

Ngoài ra, Viện đã nghiên cứu một số liệu pháp khắc phục tình trạng chậm sinh ở bò cái như: dùng hormon hướng sinh dục, làm sạch bệnh đường sinh dục để khôi phục khả năng sinh sản với tỷ lệ thụ thai ở chu kỳ 1 đạt 30-65%. Viện đã nghiên cứu kỹ thuật ổn định hoạt tính hormon trong huyết thanh ngựa chửa dạng đông khô, đã tách chiết thành 2 dạng bột sơ chế và điều chế sản phẩm (có tên AHRI) với hàm lượng hoạt tính theo ý muốn (500, 800, 1000, 1500, 2000 hoặc 3000 đơn vị chuột /1 lọ). Sử dụng sản phẩm này tiêm cho bò cái chậm sinh đạt kết quả động dục 79% và thụ thai 63%; tiêm cho lợn chậm sinh đạt (tương ứng) 95% và 89%.

12. Công nghệ sinh học trong chăn nuôi

Bằng công nghệ cấy truyền phôi tươi và phôi đông lạnh, đến nay chúng ta đã có hàng trăm bò được tạo ra. Những bò này sinh trưởng phát triển cao hơn 30-40%, cho năng suất sữa cao hơn 25-30% so với những bò khác cùng giống. Có nhiều con đang vắt sữa lứa 1 và 2 sản lượng sữa 4500-5500 kg/chu kỳ. Có 4 bò đực giống tốt từ cấy phôi đang sử dụng khai thác tinh dùng cho thụ tinh nhân tạo hoặc cho nhảy trực tiếp. Đã thành công trong việc xác định giới tính của phôi, cắt một phôi thành 2 tạo ra 2 bê giống nhau.

Với công nghệ gen động vật, các nhà nghiên cứu chăn nuôi đã làm chủ được kỹ thuật nhân gen PCR trên các thiết bị đã có  ở Việt Nam. Công việc này đã được triển khai và bước đầu có kết quả với gen Halothane trên lợn, gen Kappacasein và b-lactoglobulin trên bò. Một số gen hóc môn sinh trưởng và sinh sản của gà và lợn góp phần chọn lọc cải tiến di truyền chất lượng giống lợn và bò sữa của Việt Nam.

ứng dụng công nghệ lên men để bảo quản phụ phẩm nông nghiệp và thủy sản làm thức ăn cho chăn nuôi, sử lý chất thải chăn nuôi làm giảm ô nhiễm môi trường và tạo nguồn khí đốt Biogas cũng là thành tựu của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi  ở Việt Nam hiện nay.

13. Kinh tế và hệ thống chăn nuôi

            Từ năm 1982, Viện Chăn nuôi đã quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu kinh tế chăn nuôi. Từ đó đến nay, chủ đề về kinh tế và hệ thống chăn nuôi đã trở thành nội dung nghiên cứu quan trọng của Viện. 

Các dự án nghiên cứu và triển khai của Viện đều đã xác định được hiệu quả kinh tế của các giống vật nuôi trong điều kiện sản xuất của nông hộ ở các vùng sinh thái của cả nước. Đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất kết hợp, bền vững trên cơ sở sử dụng các nguồn tự nhiên sẵn có và áp dụng các công nghệ tiên tiến, thích hợp, phần nào đã đáp ứng nhu cầu và thị hiếu về sản phẩm chăn nuôi ở các thị trường trong nước. Nhiều mô hình như: vịt-cá-lúa, chuồng trại chăn nuôi kết hợp với sử lý chất thải tạo khí đốt, chăn nuôi bò, dê sữa kết hợp hệ thống thu gom và chế biến sữa trong nông hộ... đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất lớn và góp phần bảo vệ môi trường.

14. Thú y - Bảo vệ sức khoẻ vật nuôi

Từ khi Ban Chăn nuôi tách riêng, công tác thú y của Viện Chăn nuôi vẫn được duy trì. Đội ngũ cán bộ thú y cơ sở được tăng cường. Phòng Thú y thuộc Viện Chăn nuôi đã được tổ chức, hoạt động trong những năm 1982-1992 có hiệu quả tốt.

Công tác thú y đã góp phần quan trọng vào việc nuôi thích nghi những đàn giống nhập nội ở các cơ sở. Nhiều đề tài nghiên cứu pha chế thuốc thú y, xây dựng quy trình phòng trị bệnh có hiệu quả cho từng giống vật nuôi được công nhận là TBKT; đã góp phần tích cực vào công tác nghiên cứu khoa học và thực nghiệm trong quá trình tạo ra và phát triển những đàn giống gia súc, gia cầm và bảo đảm an toàn dịch bệnh trong các cơ sở chăn nuôi của Viện.  

15. Công nghệ bảo quản chế biến sản phẩm chăn nuôi

Viện đã nghiên cứu thành công một số đề tài bảo quản chế biến sản phẩm chăn nuôi như: chế biến thịt gia cầm, thịt bò được một số Công ty áp dụng sản xuất; các sản phẩm như "Thịt gà chất lượng cao", "Thịt gà xông khói", "Thịt vịt, ngan hầm măng", "Thịt gà Ác"... bắt đầu được tiêu thụ tại các siêu thị Hà nội.  Những năm gần đây, Viện đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ sản xuất, chế biến gan béo từ vịt lai ngan (Mulards) và từ ngan thuần. Sản phẩm gan béo có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng mới về sản xuất, chế biến gan béo xuất khẩu. 

16. Công tác thông tin

            Để phục vụ cho công tác nghiên cứu và tổng hợp, lưu trữ các kết quả hoạt động khoa học - công nghệ chăn nuôi, ngay từ năm 1969, Viện đã xuất bản “Tạp chí KHKT Chăn nuôi” và các “Tuyển tập các công trình nghiên cứu KHKT chăn nuôi”; đã xây dựng Phòng Thư viện có nhiều loại hình tài liệu trong nước và nước ngoài; xuất bản tờ “Tin nhanh”.

Đặc biệt, Viện Chăn nuôi đã tiến hành ứng dụng công nghệ tin học vào nghiên cứu và quản lý. Năm 1990, Viện có chiếc máy vi tính đầu tiên. Năm 1992, Viện bắt đầu tổ chức lớp học ứng dụng các phần mềm phân tích và quản lý số liệu. Đến nay, Viện đã áp dụng phần mềm quản lý tài chính, nhân sự, giống lợn và xây dựng phần mềm quản lý vịt (DUCKMAN), tham gia xây dựng phần mềm quản lý bò sữa (VDM). Năm 2000, đã khai trương trang WEB – Viện Chăn nuôi, là một trong số trang WEB đầu tiên của các Viện, Trường thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

17. Tham gia công tác quản lý giống vật nuôi và khuyến nông       

Ngoài công tác nghiên cứu và quan hệ mật thiết với các địa phương và cơ quan hữu quan trong đào tạo, huấn luyện và chuyển giao công nghệ chăn nuôi. Những năm của thập kỷ 90 (Thế kỷ 20), Viện Chăn nuôi được giao nhiều dự án nghiên cứu triển khai, quản lý hầu hết các đàn giống gốc gia súc, gia cầm và đang làm chủ đầu tư của 6 dự án giống vật nuôi của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm nâng cao chất lượng và cung cấp con giống cho sản xuất như các giống: Lợn, Bò sữa, Gà thả vườn, Vịt-Ngan, Dê sữa và Trâu. Chính từ những nhiệm vụ này, Viện có điều kiện gắn nghiên cứu, đào tạo với sản xuất và từ đó công tác nghiên cứu đã từng bước đáp ứng yêu cầu của sản xuất.

 

IV. Xây dựng đội ngũ và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học chăn nuôi:

Trong những năm ’60 (Thế kỷ 20), Nhà nước đã có chủ trương ra sức bồi dưỡng cán bộ khoa học toàn diện về các mặt chính trị, chuyên môn, lý luận và nhất là mặt thực tế. Yêu cầu đào tạo được nhiều cán bộ chủ trì được đề tài, đào tạo được cán bộ đầu đàn trong bộ môn, từng ngành, đào tạo cán bộ chuyên sâu và lại có trình độ tổng hợp. Đối với cán bộ đại học, chủ trương đưa về công tác ở cở sở sản xuất trong 1-2 năm trước khi nhận đề tài nghiên cứu đã tạo điều kiện cho cán bộ sát thực tế, trưởng thành tương đối nhanh. Tuy nhiên, số lượng cán bộ còn thiếu, chất lượng không đồng đều, năng lực còn hạn chế chưa đáp ứng với yêu cầu.

Cùng với đà phát triển và mở rộng công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động hợp tác quốc tế và phổ biến chuyển giao công nghệ chăn nuôi vào sản xuất, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và quản lý khoa học ngày một trưởng thành, đảm đương được những nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ.

Đến nay, Viện đã có hệ thống tổ chức tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các Bộ môn nghiên cứu, các Phòng thí nghiệm, phân tích, các Phòng ứng dụng công nghệ tin học phục vụ nghiên cứu và quản lý giống vật nuôi với những trang thiết bị và nghị khí thí nghiệm hiện đại. Viện có 11 Trung tâm, Trạm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ở cả 3 miền đất nước, nghiên cứu gần như đầy đủ các loại gia súc, gia cầm hiện có trong nước và những giống vật nuôi cao sản nhập từ nước ngoài. Tất cả các đơn vị đó đều có cơ sở hạ tầng tương đối khang trang, có điều kiện cho cán bộ khoa học làm việc và giao lưu với các nước bè bạn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chăn nuôi trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

 

(6) Hội đồng chấm luận án PTS. khoa học nông nghiệp  cấp Nhà nước – Viện Chăn nuôi (1996)

 

Từ năm 1994, Viện Chăn nuôi đã được Nhà nước giao cho công tác đào tạo tiến sĩ chuyên ngành chăn nuôi. Đến nay, Phòng Đào tạo sau đại học của Viện đã tuyển được 50 nghiên cứu sinh, trong đó có 14 người đã hoàn thành luận án và được Nhà nước cấp bằng Tiến sĩ nông nghiệp.

 

Từ số cán bộ khoa học đứng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi trước đây có thể đếm được trên đầu ngón tay, đến nay, Viện Chăn nuôi có hơn 400 cán bộ có trình độ đại học, trong đó có 114 thạc sỹ và tiến sỹ, 12 giáo sư và phó giáo sư đã được phong trong 10 năm gần đây. Ngoài ra, còn có hàng trăm nhân viên kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ khác làm việc trong toàn khối Viện.  Nhiều cán bộ trên đại học được đào tạo từ chiếc nôi Viện Chăn nuôi đã và đang giữ vai trò trọng yếu trong quản lý và nghiên cứu ở nhiều cơ quan khác.

V. Hoạt đông hợp tác quốc tế

Trước năm 1990, hợp tác nghiên cứu chủ yếu là với Liên Xô (cũ), các nước Đông Âu và một số nước như ấn độ, Pháp... về chương trình viện trợ kỹ thuật về nhập giống gia súc, thiết bị và chuyên gia như: Hợp tác nghiên cứu về dinh dưỡng gia súc với Viện XINAO - Liên Xô (cũ), về chăn nuôi thỏ với Viện Chăn nuôi tiểu gia súc (KATKI) - Hungary, về trâu sữa với Viện nghiên cứu sữa (KARNAL) - ấn Độ, về giống lợn với Viện chăn nuôi quốc tế (INRA) – Pháp...

Đường lối đổi mới của Đảng và Chính phủ đã thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế lên một bước mới. Hai Dự án do UNDP tài trợ về nghiên cứu và phát triển chăn nuôi vịt và bò thịt từ những năm 1987-1992 có ý nghĩa rất đáng kể trong việc tăng cường năng lực của cán bộ khoa học và trang bị kỹ thuật cho Viện. Tiếp đến các Dự án khác của FAO như: “Bảo tồn và sử dụng quỹ gen vật nuôi ở châu Á và Thái Bình Dương” (1993-1997); “Sử dụng tốt hơn nguồn phụ phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi” (1991-2000). Đặc biệt, lần đầu tiên một cơ sở của Viện là Trung tâm nghiên cứu Dê và Thỏ đã được FAO tặng Giải thưởng EDOUR  SAOUMA năm 2001 do thực hiện có hiệu quả về kinh tế – xã hội dự án TCP /VIE/6613 về phát triển chăn nuôi dê sữa ở nông hộ và chế biến pho mát từ sữa dê. Ngoài ra, còn có hàng chục dự án song phương với các nước như: SAREC/SIDA với Thuỵ Điển về hệ thống chăn nuôi bền vững; AUSAID - CARD với Australia về quản lý giống bò thịt và đào tạo cán bộ; LINK với Anh về dinh dưỡng gia súc; NUFU – Na uy về thức ăn phụ phẩm; FSP với Australia về đồng cỏ và cây thức ăn cho nông hộ; CIRARD - Pháp về đa dạng sinh học và hệ thống chăn nuôi; JIACA - Nhật Bản về thụ tinh nhân tạo bò; Upland với Đức về cải tạo đất dốc; với Bỉ về thức ăn cho bò; với Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) về dinh dưỡng gia súc

Trong các Chương trình hợp tác quốc tế, thành  quả của việc thực hiện các dự án trên, nổi bật nhất  phải  kể đến kết quả đào tạo đội ngũ cán bộ về chuyên môn, ngoại ngữ lẫn kinh nghiệm hợp tác khoa học. Từ năm 1990, mỗi năm có khoảng 100 cán bộ khoa học, quản lý và kỹ thuật viên được cử đi nước ngoài đào tạo, tham dự hội nghị khoa học.

Sáu mươi năm, Viện Chăn Nuôi đã trải qua những bước thăng trầm của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Song, dù ở bất kỳ giai đoạn nào Viện cũng luôn thể hiện là một Cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực chuyên ngành, đào tạo cán bộ và phục vụ phát triển chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tự hào với lịch sử 60 năm của Viện, tin tưởng sâu sắc vào đương lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, trong xu thế hội nhập mạnh mẽ của cả nước và điều kiện tự chủ của nghị định 115 của Chính phủ, toàn thể cán bộ công nhân Viện Chăn Nuôi tiếp tục phát huy lợi thế hiện có, vận dụng sáng tạo các chính sách về khoa học - công nghệ để đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.


Tìm kiếm tài liệu chăn nuôi