Hội thảo về Chương trình Khoa học công nghệ để chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học

14/09/2020

Chiều ngày 14/9/2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức “Hội thảo về Chương trình Khoa học công nghệ để chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học” tại Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm – tỉnh Vĩnh Phúc. Hội thảo vinh dự có sự tham dự và chỉ đạo của ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT và ông Phạm Công Tạc - thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại diện Cục Chăn nuôi; Cục Thú y, Cục chế biến và PTTTNS; Cục Quản lý chất lượng; Đại diện các vụ, Viện, Trường; Đại diện các Sở có liên quan. Về phía Viện Chăn nuôi có Viện trưởng - TS. Phạm Công Thiếu; Phó Viện trưởng TS. Ngô Thị Kim Cúc cùng các nhà khoa học, các chuyên gia cùng tham dự. Ngoài ra còn có các đơn vị truyền thông như VTV1, báo Nông nghiệp Việt Nam và nhiều đơn vị truyền thông khác.

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT và ông Phạm Công Tạc - thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì Hội thảo

Ngành chăn nuôi lợn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sản xuất thịt của quốc gia. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn trong những năm gần đây đang bị đe dọa bởi các vấn đề dịch bệnh. Đặc biệt, năm 2019 virus dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã lây lan ra khắp 63 tỉnh thành dẫn đến chết và tiêu hủy gần 6,0 triệu con lợn. Dịch bệnh đã dẫn đến tăng trưởng nông nghiệp bị chậm lại và giá trị gia tăng được tạo ra trong ngành bị giảm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác định chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ và nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn với khả năng thương mại toàn cầu là chiến lược quan trọng để ngăn chặn bệnh dịch và thực hiện mục tiêu phát triển của ngành trong tương lai. Theo sự chỉ đạo này thì nông nghiệp hữu cơ và nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là yêu cầu và xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam trong vài thập kỷ tới - đó là định hướng cần khuyến khích, đầu tư và mở rộng.

Chăn nuôi trang trại đã áp dụng được các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới để tạo ra sản phẩm có năng suất cao, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và chủ động áp dụng được các biện pháp an toàn sinh học. Tuy nhiên, với 2,4 triệu hộ chăn nuôi, chiếm 49% sản lượng thịt lợn, vẫn đang có những điểm nghẽn cần tháo gỡ, cần phải giải quyết để phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.

            Tập đoàn Quế Lâm là nơi ghi dấu kỳ tích những mô hình chăn nuôi của tập đoàn này vượt qua dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019 và đã được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo nhân rộng mô hình phù hợp với chăn nuôi nông hộ ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học mà Tập đoàn Quế Lâm liên kết với các hộ nông dân đã có sức lan tỏa rất mạnh mẽ. Trong bối cảnh chăn nuôi hiện nay, hướng chăn nuôi an toàn sinh học như của Tập đoàn Quế Lâm hoàn toàn là giải pháp rất phù hợp với các nông hộ, gia trại, trang trại. Ngoài ra, việc xây dựng tổ hợp 4F (Farm - Food - Feed – Fertilizer), một quy trình chăn nuôi theo chuỗi khép kín  của tập đoàn sẽ được hình thành và trở thành trung tâm hạt nhân để thúc đẩy, phát triển các mô hình chăn nuôi này. Chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ an toàn sinh học sẽ giúp an toàn dịch bệnh, đạt hiệu quả cao, chủ động sản xuất, kiểm soát được chất lượng đầu vào đầu ra; cho giá thành phù hợp, chất lượng thịt cao, an toàn cho môi trường và phù hợp với các điều kiện chăn nuôi khác nhau của nông dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm

Những nhân tố chính để đảm bảo cho chăn nuôi bền vững và hiệu quả đó là các khâu từ giống vật nuôi, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh, xử lý môi trường… đều phải được kiểm soát và thực hiện chặt chẽ theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.

Vì vậy, nội dung Hội thảo tập trung báo cáo và thảo luận 9 giải pháp chính về Khoa học công nghệ để thực hiện chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học. Đó là các giải pháp về giống lợn; quy trình sản xuất nguồn nguyên liệu trong thức ăn chăn nuôi lợn; các giải pháp về sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn, nước uống, xử lý môi trường; sử dụng các hoạt chất sinh học trong chế biến và chế biến sâu thịt lợn theo hướng hữu cơ; sử dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 (IoT-AI-Blockchain-GPS) trong chuỗi cung ứng thịt lợn và đánh giá mô hình chăn nuôi lợn theo hướng tuần hoàn (4F), đề xuất các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Tham dự Hội thảo, Viện Chăn nuôi đề xuất 04 nhiệm vụ KHCN gồm: Nghiên cứu chọn tạo một số dòng lợn phù hợp với hệ thống chăn nuôi theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học; Nghiên cứu, đề xuất quy trình sản xuất nguồn nguyên liệu làm thức ăn trong chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và ATSH; Nghiên cứu sử dụng hiệu quả chế phẩm Lacto powder T làm thức ăn và nước uống cho chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và ATSH; Nghiên cứu sử dụng chế phẩm Lacto powder T trong xử lý môi trường cho chăn nuôi lợn theo theo hướng hữu cơ và ATSH.

Phó Viện trưởng, TS. Ngô Thị Kim Cúc trình bày các báo cáo đề xuất của Viện Chăn nuôi tại Hội thảo.

Đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu thảo luận về các đề xuất KHCN tham gia trong Hội thảo.

Các đề xuất của Viện Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và của Tập đoàn Quế Lâm đã được Hội đồng các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện các Sở KHCN và Sở Nông nghiệp & PTNT một số tỉnh tham dự đều ấn tượng và đánh giá cao giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ và kiến nghị sớm hoàn thiện việc xây dựng các đề án, đề tài nghiên cứu để nhanh chóng lan tỏa các mô hình, đặc biệt đối với chăn nuôi nông hộ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao vai trò của Tập đoàn Quế Lâm trong việc phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ và hữu cơ. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tham gia đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong Hội thảo tiếp thu các ý kiến của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, đặc biệt các góp ý của Hội đồng khoa học, của đại diện các địa phương tham dự để hoàn thiện các đề xuất. Thứ trưởng giao cho Cục Chăn nuôi tổng hợp các đề xuất và xin ý kiến các chuyên gia trước khi trình Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt nhằm thực hiện cụm công trình KHCN về chăn nuôi giai đoạn 2021-2025.

TS.Nguyễn Trọng Tuyển - Phòng Khoa học, Đào tạo và HTQT


Tìm kiếm tài liệu chăn nuôi