Kết nối nhà khoa học - nông dân

28/11/2018

Chương trình do Báo Nông Thôn Ngày Nay, Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, Hội nông dân (ND) Quảng Ninh và UBND huyện Đông Triều phối hợp tổ chức. Tham gia chương trình là chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, TS Võ Văn Sự- Viện Chăn nuôi và hơn 200 ND đến từ các xã, thị trấn huyện Đông Triều.

Khoa học kỹ thuật là “đòn xeo”

Chị Nguyễn Thị Hương (xã Bình Dương) bày tỏ băn khoăn là nhà chị đang trồng giống nhãn thóc, cây rất to nhưng quả lại nhỏ. Chị không muốn chặt bỏ, mà muốn ghép với giống nhãn mới, quả to... Anh Phạm Văn Đồng (xã Quỳnh Đôi) đang làm trang trại 15ha trồng na dai và nuôi lợn nái, lợn thịt. Mặc dù anh đã tuân thủ các biện pháp chăm sóc, phòng trừ bệnh trong quá trình sản xuất, nhưng na của anh ra quả non là bị rụng. Rồi lợn tiêm vaccin đầy đủ mà vẫn bị nổi mẩn ngứa. Mấy năm gần đây giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá sản phẩm lại giảm. Anh đề nghị các chuyên gia cho hướng tháo gỡ.
 

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng xem sản phẩm của ND Đông Triều trưng bày tại hội nghị.


Chị Nguyễn Thị Minh (xã Yên Đức) đề nghị hướng dẫn cách khắc phục bệnh thối rễ, khô bông của nếp cái hoa vàng- giống lúa đặc sản của Quảng Ninh. Anh Nguyễn Đình Phong (xã Nguyễn Huệ) thắc mắc “vì sao lợn nái đang đẻ lại không đẻ nữa”. Hay trồng nấm thế nào để không nhiễm bệnh; trồng cam Canh vì sao hay bị bệnh nhện đỏ… Tất cả các câu hỏi đều được hai chuyên gia giải đáp và cung cấp địa chỉ tin cậy để mua giống, tư vấn cách chăm sóc, xử lý khi bị dịch bệnh… 

Chuyên gia Lân Hùng gửi tới bà con thông điệp: Khoa học kỹ thuật hết sức quan trọng, là “đòn xeo” để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Thực tế đã chứng minh, những ND làm ăn giỏi chính là áp dụng KHKT. 

Liên kết bằng hợp đồng 

Câu hỏi nhiều ND mong được các chuyên gia giải đáp vẫn là câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển bền vững, không bị nhiễm dịch bệnh. TS Võ Văn Sự giới thiệu?một số giống vật nuôi ở Đông Triều nói riêng, Quảng Ninh nói chung đang phát triển tốt. Đó là bò H’Mông, giống bò to nhất Việt Nam, nặng tới 4 tạ, giá 30 triệu đồng con, thịt đang bán tại một số siêu thị lớn. Lợn đen cũng đang được nuôi ở Quảng Ninh. Giống lợn Hung thì Nhà nước đang có dự án phát triển nuôi hàng hóa ở Hà Giang. Về gà có gà ri vàng rơm (Viện Chăn nuôi tạo giống), đẻ hơn 200 trứng/năm; gà H’Mông nuôi thả vườn hay nuôi công nghiệp đều được, giá bán 110.000 đồng/kg; gà mía; gà Đông Tảo có người bán được 70 triệu đồng/cặp... 
  

Câu hỏi nhiều ND mong được các chuyên gia giải đáp vẫn là câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển bền vững, không bị nhiễm dịch bệnh.

Chuyên gia Lân Hùng cũng giới thiệu giống vịt trời, đà điểu… mà ND một số nơi ở miền núi phía Bắc đang nuôi rất thành công, rất phù hợp với Đông Triều và Quảng Ninh. Ông sẵn sàng cung cấp địa chỉ về mua giống, hướng dẫn cách nuôi cho những ai có nhu cầu.

Theo TS Võ Văn Sự, hầu hết dịch bệnh xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ít xảy ra ở trang trại chăn nuôi lớn. Vì vậy, vấn đề tổ chức chăn nuôi rất quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, mỗi xã nên tổ chức một số làng nghề. Một số địa phương đã và đang làm rất thành công, như nuôi gà Móng ở Duy Tiên, Hà Nam, 15 năm nay không hề xảy ra dịch bệnh. Làng nghề có sự phân công rất cụ thể, hộ nào chuyên làm con giống, hộ nào chuyên sản xuất con thương phẩm. 

Thứ hai, doanh nghiệp ND cần liên kết với doanh nghiệp, nếu không khi xảy ra bệnh dịch, ND rất dễ trắng tay.


Tìm kiếm tài liệu chăn nuôi