Phát triển trồng cỏ & chăn nuôi đại gia súc an toàn

28/11/2018

Tham dự có ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm KNQG; đại diện Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển bò & đồng cỏ Ba Vì; Sàn giao dịch rau quả & thực phẩm an toàn Hà Nội; lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh Hà Giang; UBND huyện Mèo Vạc và hơn 150 đại biểu là các hộ chăn nuôi giỏi của 4 huyện: Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và Mèo Vạc.


Tham quan mô hình chăn nuôi bò tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe các báo cáo về thực trạng và định hướng phát triển cây thức ăn gia súc khu vực miền núi phía Bắc của Cục Chăn nuôi; báo cáo giải pháp phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc an toàn của Viện Chăn nuôi và báo cáo kết quả phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2010-2013, định hướng đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Theo báo cáo, tại Hà Giang, trong những năm qua ngành chăn nuôi nói chung và phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) nói riêng đã có bước tiến quan trọng, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn mang tính đột phá, góp phần phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh ngày một bền vững.

Kết quả, tính đến năm 2012 toàn tỉnh đã trồng được 15.910 ha cỏ gồm các giống cỏ voi, Goatemala và VA06, cho năng suất từ 200 -250 tấn/ha/năm. Tổng đàn trâu là 163.989 con, đàn bò 110.815 con. Trong đó, huyện Mèo Vạc là địa phương có đàn bò lớn nhất với 30.752 con. Giá trị thu từ chăn nuôi 710.541 triệu đồng (nuôi trâu) và 59.372 triệu đồng (nuôi bò). Hằng năm xuất chuồng 4.160 tấn trâu, bò.

Ghi nhận tại diễn đàn, nhiều ý kiến trao đổi thảo luận của đại biểu, bà con nông dân huyện Mèo Vạc đều khẳng định, đánh giá cao hiệu quả của việc trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò, đồng thời mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ vay vốn cao hơn mức hiện nay để mua giống.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của mô hình trồng đẩy mạnh cỏ gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc của tỉnh.

Đặc biệt là tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, thuộc diện các huyện nghèo nhất cả nước thì việc lựa chọn, chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang mô hình trồng cỏ gắn với chăn nuôi là chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực nhất đối với bà con nông dân.

Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ trồng cỏ phát triển chăn nuôi, như: Hỗ trợ hộ nghèo mua giống trâu, bò từ 7 - 15 triệu đồng/hộ, đồng thời đang xem xét nâng mức hỗ trợ lên 20 triệu đồng/hộ để mua giống và 2 triệu trồng 1 ha cỏ/hộ.

Ông Tiến cũng đề nghị Viện Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi nghiên cứu hỗ trợ cung cấp cho tỉnh các loại giống cỏ có khả năng chịu rét, chịu hạn tốt để phù hợp với điều kiện của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc; tăng cường tập huấn hưỡng dẫn kỹ thuật cho người dân.

Đề nghị Sàn giao dịch rau quả & thực phẩm an toàn Hà Nội giúp đỡ về mặt tuyên truyền, quảng bá tiêu thụ sản phẩm thương hiệu chăn nuôi gia súc trâu, bò của tỉnh đến các địa phương trong cả nước.

Trước đó, các đại biểu đã đi tham quan cánh đồng cỏ và các hộ chăn nuôi bò giỏi tại xã Pả Vi; thị sát chợ bò trung tâm huyện Mèo Vạc...


Tìm kiếm tài liệu chăn nuôi