Giới thiệu bộ tem “Gà bản địa Việt Nam”

09/01/2023

Gà là một trong những vật nuôi gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam từ bao đời nay, ngoài những giá trị kinh tế, gà còn mang ý nghĩa to lớn về lịch sử văn hóa của người Việt. Từ xa xưa, ông cha ta đã nuôi dưỡng, bảo tồn rất nhiều giống gà quý hiếm, độc đáo trên khắp mọi miền đất nước và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Để giới thiệu sự đa dạng sinh học, góp phần tuyên truyền bảo tồn nòi giống của một số loài Gà thuần chủng Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế vùng miền, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem bưu chính “Gà bản địa Việt Nam” gồm 04 mẫu giới thiệu các loài: Gà nhiều ngón, Gà Đông Tảo, Gà H'Mông và Gà Lạc Thuỷ, với giá mặt lần lượt 4000đ, 4000đ, 4000đ và 12000đ. Bộ tem được thiết kế theo phong cách đồ họa thể hiện nét đặc trưng của từng loại gà gắn với môi trường sinh sống của chúng.

Mẫu 4-1: Gà nhiều ngón

Gà nhiều ngón là giống gà thuần chủng (bản địa), quý hiếm có từ lâu đời, gắn liền với sinh kế và văn hoá của dân tộc thiểu số tại tỉnh Phú Thọ (miền Bắc Việt Nam). Ngoài giá trị kinh tế, văn hóa, gà nhiều ngón còn là nguồn gen quý, có ý nghĩa quan trọng cho đa dạng sinh học, đa dạng di truyền, phát triển chăn nuôi.

Đây là giống gà có trọng lượng trung bình, thân hình cân đối, nhanh nhẹn. Đầu nhỏ, tròn, cổ cao, mắt linh hoạt, lông dày. Con trống chủ yếu có màu nâu đỏ; con mái có màu vàng nâu, vàng sẫm và màu xám. Mào chủ yếu là mào đơn, một số ít con có mào hoa hồng và mào khác. Chân có màu vàng là chủ yếu, một số có màu chì (đen). Đặc trưng đặc biệt của giống gà này đó là có nhiều ngón, thường từ 6 đến 8 ngón, một số ít có 5 hoặc 9 ngón. Ngón xuất hiện ngay từ khi gà con mới nở và tồn tại trong suốt cuộc đời. Theo quan niệm của người dân địa phương, gà càng nhiều ngón càng quý và có giá trị thương mại cao; Gà 9 ngón rất hiếm và được xem như một báu vật.

Mẫu 4-2: Gà Đông Tảo

Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) là giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đây là loài gà nuôi cổ truyền của người dân xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dân trước đây thường dùng để cúng tế, hội hè hay tiến Vua. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen.

Đặc điểm của loại gà này là cặp chân xấu xí, đôi chân to và thô, khi gà trưởng thành, con trống có thể nặng trên 4,5kg và con mái trên 3,5 kg. Gà mới nở có lông trắng đục, khối lượng mới nở 38-40 gam, mọc lông chậm. Thịt gà ngon, ngọt với khối thịt ức dày và đỏ hồng, những bắp thịt đùi với những bó cơ cuồn cuộn vắt lên nhau, trong thịt không có gân, không dai.

Mẫu 4-3: Gà H’Mông

Gà H’Mông hay còn gọi là gà Mông, gà Mông đen hay gà Mèo hay gà xương đen là giống gà quý hiếm, thuần chủng (bản địa) của Việt Nam, có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được dân tộc H’Mông nuôi thả quảng canh. Gà H’Mông có đặc điểm là thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, người đồng bào H’Mông còn nấu cao để bồi bổ sức khoẻ. Hiện nay gà H’Mông thương phẩm được coi là món ăn đặc sản.

Gà trưởng thành có hình dáng cân đối, chân cao màu đen, màu sắc lông đa dạng (màu hoa mơ, đen, trắng tuyền), có mào dâu, mào cờ, phần lớn có màu da thịt đen và phủ tạng đen, số ít da trắng, thịt trắng. Trung bình mỗi con gà trưởng thành nặng từ 2 đến 3kg/con. Gà nuôi khoảng hơn 5 tháng bắt đầu đẻ trứng.

Mẫu 4-4: Gà Lạc Thủy

Gà Lạc Thủy là giống gà thuần chủng (bản địa) của Việt Nam, được coi là giống gà đặc hữu và quý hiếm có nguồn gốc từ huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và được nuôi từ khá lâu đời, là loài đang được bảo tồn nguồn gen.

Sau khi phát hiện đây là giống gà quý, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Chăn nuôi Việt Nam đã quyết định đặt tên cho giống gà này theo địa danh Lạc Thủy và đề xuất đề tài khoa học bảo tồn, chọn lọc nhân giống, đây là giống gà ri bản địa có từ lâu đời tại xã Phú Thành huyện Lạc Thuỷ và xã An Phú huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đang được nuôi phổ biến ở huyện Lạc Thủy.

Bộ tem có khuôn khổ 37 x 37 (mm) do họa sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 25/8/2021 đến ngày 30/6/2023. Tư liệu thiết kế do Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp và cho phép sử dụng.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành một số bộ tem về chủ đề Gà, gồm:

MS 213: Gà nhà. Phát hành ngày: 29/02/1968; Số mẫu: 08 mẫu.

MS 497: Gia cầm (gà). Phát hành ngày: 15/9/1986; Số mẫu: 08 mẫu.


 

MS 823: Chọi gà. Phát hành ngày: 08/02/2000; Số mẫu: 04 mẫu


 

MS 949: Một số loài gà hoang dã. Phát hành ngày: 01/4/2006; Số mẫu: 05 mẫu + 01 Blốc.


 

MS 1038: Tem phát hành chung Việt Nam – Singapore: Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973 – 1/8/2013). Phát hành ngày: 12/9/2013; Số mẫu: 02 mẫu

 

Võ Văn Sự sưu tầm: http://www.vnpost.vn/bai-viet/chi-tiet/id/94518/key/gioi-thieu-bo-tem-ga-ban-dia-viet-nam


Tìm kiếm tài liệu chăn nuôi