Viện Chăn nuôi chủ động cung cấp lợn giống phục vụ tái đàn

02/06/2020

Khi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giữ lại con giống phục vụ hệ thống nội bộ, Viện Chăn nuôi vẫn đều đặn cung ứng lợn giống hỗ trợ người dân tái đàn chăn nuôi.

Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi. Ảnh: Nguyên Huân.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT).

Năng lực nuôi giữ lợn giống gốc của Viện Chăn nuôi so với thị trường quy mô ra sao thưa ông?

Viện Chăn nuôi chúng tôi là đơn vị được Bộ NN-PTNT giao nuôi giữ giống gốc, với hai cơ sở là Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương ngoài phía Bắc và Trung tâm Heo Bình Thắng trong phía Nam.

Ngay từ tháng 6/2018, khi Trung Quốc bắt đầu xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, Viện Chăn nuôi đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt 2 cơ sở nuôi giữ giống gốc lợn, thực hiện tiêu độc khử trùng, cách ly chặt chẽ, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, bằng nhiều biện pháp có thể để bảo vệ đàn giống.

Rất may và vui mừng đến thời điểm hiện tại đàn lợn giống gốc của Viện nuôi giữ tại hai trung tâm vẫn an toàn, sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại, cả 2 cơ sở của Viện Chăn nuôi lưu giữ khoảng 1.300 lợn nái cụ kỵ, ông bà, chiếm 1 - 1,5% tổng đàn lợn cụ kỵ, ông bà 109.000 con của cả nước.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngay sau khi dịch lắng xuống, Viện Chăn nuôi đã yêu cầu hai đơn vị trực thuộc phải đẩy mạnh cung ứng con giống an toàn, sạch bệnh ra cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn. Trong đó, Viện yêu cầu chỉ được chuyển giao lợn giống cho những cơ sở đã được chính quyền địa phương xác nhận đủ điều kiện an toàn sinh học để tái đàn và tăng đàn.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, cơ bản con giống, lợn nái, lợn đực cung cấp ra thị trường ở thời điểm này chủ yếu của Viện Chăn nuôi, bởi hầu hết các doanh nghiệp tư nhân hiện nay rất hạn chế bán con giống ra bên ngoài mà họ chỉ cung cấp cho hệ thống, mạng lưới gia công theo chuỗi khép kín của họ.

May ra thời gian tới khi họ dư thừa mới cung cấp ra ngoài cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ. Trong khi đó, chỉ một số tỉnh giữ được các cơ sở giống, song số lượng rất ít nên đa phần đều thiếu hụt.

Qua đây mới thấy, vai trò các cơ sở giữ giống gốc của Bộ NN-PTNT rất quan trọng, nhất là trong lúc thiên tai, dịch bệnh, thị trường khan hiếm. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì đang đóng góp tích cực cho chủ trương tái đàn lợn và tăng đàn của Bộ NN-PTNT và cũng là địa chỉ tin cậy của người chăn nuôi cả nước.

Tổng đàn lợn cụ kỵ, ông bà của Viện Chăn nuôi chiếm 1 - 1,5% tổng đàn lợn cụ kỵ của cả nước. Ảnh: Minh Phúc.

Thưa ông, với số lượng 1.300 con lợn cụ kỵ ông bà hiện nay, ông cho biết những con giống bố mẹ cung cấp ra thị trường của Viện Chăn nuôi chất lượng ra sao?

Với đàn lợn cụ kỵ, ông bà 1.300 con, bình quân mỗi tháng hai đơn vị nuôi giữ giống gốc của Viện Chăn nuôi cung ứng ra thị trường trung bình 450 lợn nái hậu bị, ông bà, bố mẹ từ các nguồn gen nhập nội và từ kết quả của các đề tài nghiên cứu chọn lọc tạo dòng của Viện.

Bên cạnh đó, Viện cũng bán ra lợn giống loại giống để phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân.

Các giống lợn tốt nhất trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam và ở Viện Chăn nuôi như Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain... Cụ thể, Viện Chăn nuôi đang có nguồn gen các giống lợn này nhập về từ Pháp, Mỹ, Canada, Đài Loan, Đan Mạch…

Ngoài ra từ nguồn nguyên liệu di truyền các giống lợn nhập nội và lợn bản địa, Viện Chăn nuôi đã chọn tạo ra những dòng, giống lợn chuyên hóa phù hợp với các vùng sinh thái và phương thức chăn nuôi, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đưa vào danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh ở nước ta.

Đặc biệt, chúng tôi có dòng lợn nái VCN-MS15 làm nái nền để lai với các giống lợn ngoại, nhằm phát huy ưu thế lai, con lai dễ nuôi, có tỉ lệ nạc vừa phải, phù hợp cho các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam.

Vậy, kế hoạch tăng đàn, tái đàn giống gốc cụ kỵ, ông bà của Viện Chăn nuôi trong thời gian tới ra sao thưa ông?

Với chủ trương tăng đàn, tái đàn lợn của Bộ NN-PTNT hiện nay, Viện Chăn nuôi đã chỉ đạo hai cơ sở nuôi giữ giống gốc lợn tăng quy mô đàn cụ kị, ông bà với quỹ chuồng trại cho phép để cung ứng con giống cho sản xuất.

Trại PIC tại Tam Điệp của chúng tôi hiện nay vẫn còn dư quỹ đất, đủ khoảng cách an toàn sinh học để xây các chuồng heo lớn, hiện đại, khép kín. Chúng tôi dự kiến cuối năm 2020 sẽ đầu tư xây mới để nâng qui mô đàn nái tại Trạm giống lợn hạt nhân Tam Điệp từ 850 nái lên 1.200-1.400 nái để góp phần làm giảm thiểu sự thiếu hụt con giống như hiện nay

Tại phía Nam, năm nay Viện Chăn nuôi cũng đang xin kế hoạch Bộ NN-PTNT xây dựng một trại lợn giống gốc tại Bình Thuận thuộc Trung tâm Heo Bình Thắng với diện tích 75ha theo 2 giai đoạn, giai đoạn đầu khoảng 500 nái, giai đoạn sau khoảng 700 nái để cung cấp con giống cho các tỉnh phía Nam.

Trong năm 2020, Viện Chăn nuôi đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt cho nhập 100 lợn cụ kỵ cho Trung tâm Heo Bình Thắng để đưa vào cơ sở mới nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tăng đàn, nhân đàn, tái đàn của người chăn nuôi các tỉnh phía Nam.

Được biết, bên cạnh chủ động cung ứng đều đặn giống lợn ông bà, bố mẹ chất lượng cao ra thị trường, Viện Chăn nuôi cũng song song đẩy mạnh phát triển đàn gia cầm, thủy cầm nhằm hỗ trợ lượng lợn thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi, vậy ông có thể cho biết thành quả lĩnh vực giống gia cầm của Viện trong nhưng năm vừa qua?

Sau khi có chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gia súc ăn cỏ để bù đắp cho thiếu hụt thịt lợn của Bộ NN-PTNT, Viện Chăn nuôi đã chỉ đạo các đơn vị chăn nuôi gia cầm, thủy cầm cung cấp những con giống tốt nhất, sạch bệnh (cấp bố mẹ và thương phẩm) cho nhu cầu tăng đàn và chuyển đổi đối tượng vật nuôi của người dân nhưng cũng không nên tăng đàn ồ ạt, theo hiệu ứng đám đông. Vì trong cái rổ thực phẩm, thịt lợn vẫn là chủ đạo.

Nói về con thủy cầm, đặc biệt là con vịt, 3 cơ sở giống của Viện chăn nuôi là Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên và Trung Vigova đều sẵn sàng và đủ năng lực cung cấp con giống bố mẹ và thương phẩm cho nhu cầu chăn nuôi. Hiện tại, 3 cơ sở này của Viện Chăn nuôi cung cấp giống vịt, ngan ông bà, bố mẹ và con thương phẩm chiếm 80% thị phần con giống thủy cầm của cả nước.

Về gà hướng trứng, gà lông màu bố mẹ năng suất chất lượng cao, gần như 60% do Viện Chăn nuôi cung cấp ra như dòng TP, LV, gà Ri gà Mía, gà Ai Cập, HA, H’Mông... Đặc biệt, các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nuôi gà hướng trứng năng suất, chất lượng cao do Viện cung ứng 100% thị phần.

Thế mạnh về gia cầm của Viện Chăn nuôi là phát triển các sản phẩm gà lông màu thả vườn mang gen nội, gen bản địa có chất lượng thịt và mẫu mã rất hợp thị hiếu thói quen văn hóa ăn uống của người Việt nên luôn duy trì được sự ổn định và sự chủ động về con giống, quy trình chăn nuôi, chăm sóc cũng như tạo lợi thế về giá và đầu ra cho người chăn nuôi.

Ngoài ra Viện cũng đang cung cấp tinh đông lạnh bò thịt để cải tạo nhanh tầm vóc cũng như năng suất đàn bò thịt của nước nhà.

“Trong giai đoạn tới, định hướng nghiên cứu của Viện Chăn nuôi thịt lợn vẫn chiếm khoảng gần 70% và xu hướng kéo dần xuống 63 - 65%; Thịt gia cầm, thủy cầm nâng từ 18 - 20% lên 25 - 27% và thịt đỏ bao gồm trâu, bò, dê… lên khoảng 8-10%.

Tuy nhiên, để đạt được con số, tỷ lệ hài hòa mơ ước này cần phải có lộ trình bởi thói quen tiêu dùng thịt lợn của người dân không thể thay đổi ngay trong ngày một ngày hai được”, Tiến sĩ Phạm Công Thiếu nói.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Huân - Minh Phúc - nongnghiep.vn


Tìm kiếm tài liệu chăn nuôi